Thế giới ghi nhận 11, 23 triệu ca mắc, 530.019 ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 4/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 11.233.742 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 530.019 ca tử vong.

Mỹ vẫn là nước có nhiều bệnh nhân nhất thế giới với 2.892.476 ca, và nhiều ca tử vong nhất với 132.129 ca. Tiếp theo đó là Brazil với 1.545.458 ca nhiễm và 63.295 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở bang Texas, Mỹ ngày 2/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.

Mỹ đã ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, đặc biệt tăng mạnh ở các bang thuộc miền Nam và miền Tây. Trong bối cảnh số ca nhiễm đang gia tăng tại ít nhất 36 bang của Mỹ, chính quyền nhiều bang đã quyết định hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô kỷ niệm ngày Quốc khánh 4/7 và các sự kiện truyền thống do lo ngại việc tụ họp đông người. Tuy nhiên, Thị trưởng Houston - thành phố lớn nhất của bang Texas - ông Sylvester Turner vẫn quyết định tiến hành Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Texas theo hình thức trực tiếp. Theo kế hoạch, đại hội sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến 18/7 tại Trung tâm Hội nghị George R. Brown ở thành phố Houston.

Châu Âu ghi nhận hơn 2.462.909 ca nhiễm, trong đó 193.295 ca tử vong. Nga là nước có số ca nhiễm cao nhất châu lục với 674.515 ca, sau khi ghi nhận thêm 6.632 ca nhiễm mới. Ngoài, ra Nga cũng ghi nhận 168 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 10.027 ca. Trong khi đó, Bulgaria bất ngờ ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao trong một ngày qua, với là 182 người, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Bulgaria hiện là 5.497 người. Số ca tử vong tại nước này đến nay là 239 người và số bệnh nhân được điều trị phục hồi là 2.892 người.

Tại Tây Ban Nha, ngày 4/7, chính quyền vùng Catalonia ở Đông Bắc đã quyết định phong tỏa thị trấn Lerida với hơn 200.000 dân sau khi số ca nhiễm tăng mạnh trở lại tại đây. Tây Ban Nha hiện là một trong những nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh tồi tệ nhất trên thế giới với 28.385 người đã tử vong, cao thứ tư ở châu Âu (sau Anh, Italy và Pháp). Số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia có 47 triệu dân này là khoảng 250.000 người. 

Tại Anh, Chính phủ Anh đã công bố danh sách 59 quốc gia và vùng lãnh thổ mà người Anh khi đi du lịch trở về sẽ được áp dụng thỏa thuận "cầu hàng không", tức là không phải tuân theo quy định tự cách ly 14 ngày. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 10/7. Trong số những nước và vùng lãnh thổ được miễn quy định  có Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy, Hy Lạp, Việt Nam…, nhưng không có Mỹ, Bồ Đào Nha, Trung Quốc và Thái Lan. Một điều đáng lưu ý là, quy định nới lỏng cách ly của Anh hiện mới chỉ được áp dụng cho vùng England. Các vùng còn lại là Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland chưa xác nhận có cùng tham gia hay không. Theo số liệu thống kê, tính đến nay, Anh là nước có số ca tử vong cao nhất châu Âu, với 44.131 ca trong số 284.276 ca nhiễm. Tuy nhiên, hiện số ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này chỉ vào khoảng vài trăm người và số ca bệnh nặng cũng không còn nhiều, chỉ gần 280 người.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 2/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, tổng số ca nhiễm tính đến tối 4/7 là 2.489.568 ca, trong đó có 60.097 ca tử vong. Ấn Độ là nước ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu lục với 650.431 ca nhiễm và 18.669 ca tử vong. Ngày 4/7, nước này cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày, với 22.000 ca, tập trung ở khu vực miền Tây và miền Nam. 

Cũng trong ngày 4/7, Iran đã ban hành các quy định nghiêm ngặt mới nhằm chống dịch, theo đó người nào không đeo khẩu trang sẽ không được hưởng các dịch vụ nhà nước, và những công sở nào không áp dụng các quy định y tế sẽ phải đóng cửa một tuần. Iran đang nỗ lực chống dịch lây lan khi tổng cộng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 235.429 ca, trong đó có 11.260 ca tử vong. Đeo khẩu trang đã trở thành quy định bắt buộc tại nơi công cộng từ ngày 5/7 tới.

Tại Australia, bang Victoria cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất trong một ngày, với 108 ca. Phát biểu với báo giới, Thống đốc bang Daniel Andrews nhận định: "Con số này thực sự rất đáng lo ngại", bởi chiều hướng gia tăng số ca nhiễm mới ở bang Victoria diễn ra khi đa phần các bang còn lại ở Australia đều đã kiềm chế được dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Trong một diễn biến khác, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike kêu gọi người dân  không tới các khu phố giải trí về đêm và không nên ra khỏi địa giới thành phố, trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tiếp vượt ngưỡng 100 ca trong 3 ngày qua. Ngày 4/7, Tokyo đã ghi nhận 131 ca nhiễm mới, chủ yếu ở giới trẻ và tại các điểm giải trí về đêm. 

Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục đã có thêm 3 ca nhiễm mới, gồm 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Bắc Kinh và 2 ca nhập cảnh. Không có thêm ca tử vong mới nào trong ngày này. Hàn Quốc thông báo có thêm trên 60 ca nhiễm mới trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh số ca nhiễm ở ngoài vùng đô thị Seoul không có dấu hiệu thuyên giảm, làm gia tăng quan ngại về số ca nhiễm tăng vọt trở lại. Trong bối cảnh các thành phố lớn khác ở Hàn Quốc cũng thông báo xuất hiện thêm các ổ lây nhiễm mới, giới chức y tế nước này đang chịu áp lực cân nhắc áp đặt trở lại các biện pháp phòng chống. Theo KCDC, Chính phủ Hàn Quốc ngày 5/7 sẽ thông qua 3 cấp độ giãn cách xã hội, tùy thuộc vào tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt của học sinh tại một trường học ở Yaounde, Cameroon ngày 1/6/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Về phần mình, châu Phi ghi nhận tổng cộng 451.104 ca nhiễm, trong đó có 10.928 ca tử vong. Nam Phi vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất châu lục với 177.124 ca trong khi Ai Cập là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 3.201 ca. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, Madagascar đã ghi nhận 216 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.728 ca. Trong khi đó, Maroc ghi nhận 146 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 13.434 ca, và số ca tử vong là 232 ca.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngày 4/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hối thúc các nước ảnh hưởng dịch phải tỉnh táo, nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hiểm và diễn biến thực tế của dịch bệnh để từ đó kiểm soát được đại dịch. Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp WHO, ông Michael Ryan (Mai-cơn Rai-ân) nhấn mạnh các số liệu không thể nói dối và tình hình thực tế dịch bệnh là hết sức rõ ràng, đáng quan ngại là hiện có quá nhiều nước phớt lờ các dữ liệu thực tế.

Quan chức WHO chia sẻ chính phủ các nước hoàn toàn có lý do chính đáng để từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, từng bước vận hành trở lại nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch. Tuy nhiên, điều quan trọng là các hoạt động này cần được thực hiện song song với đảm bảo an toàn dịch tễ, đảm bảo giãn cách xã hội để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh lây lan.

Theo ông Ryan, dịch bệnh COVID-19 không thể biến mất một cách thần kỳ và nếu chính phủ các nước quá tập trung khôi phục trạng thái bình thường mà lơ là việc phòng dịch, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát với số bệnh nhân tăng mạnh là điều tất yếu. Khi hệ thống y tế bị quá tải và sụp đổ, sẽ có thêm nhiều người tử vong.

Bích Liên (TTXVN)
Campuchia chính thức thông báo hoãn Hội nghị ASEM 13 do dịch COVID-19
Campuchia chính thức thông báo hoãn Hội nghị ASEM 13 do dịch COVID-19

Tối 4/7, Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia ra thông cáo báo chí về việc chính thức hoãn Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 13 (ASEM 13) do những khó khăn liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN