Thế giới "đau đầu" xử lý rác vũ trụ

Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA) của Mỹ và nhiều nước khác đang đau đầu tìm kiếm các biện pháp hữu hiệu nhằm dọn sạch rác thải trong không gian.

Đồ họa tàu vũ trụ EDDE “bắt” rác thải. Ảnh: Internet


Theo thống kê của NASA, hiện có hơn 500.000 mảnh rác thải từ các phần đã qua sử dụng của tên lửa đẩy, các phần vệ tinh hỏng hóc và những loại rác khác đang bay trên quỹ đạo Trái đất. Kích cỡ của những mảnh rác vũ trụ nhỏ có thể là 1 cm và những mảnh rác vũ trụ lớn có kích thước từ 10 cm trở lên. Rác vũ trụ di chuyển với tốc độ 28.000 km/giờ, đủ để phá hủy hoặc giáng một đòn chí tử cho các vệ tinh đắt tiền vẫn còn đang hoạt động, hoặc thậm chí có thể đe dọa phi thuyền đang lên quỹ đạo. Kết quả của những vụ va chạm này sẽ thải ra thêm nhiều mảnh vỡ nguy hiểm trôi nổi trên không gian.

Ông Donald Kessler - nhà vật lý học thiên thể thuộc Văn phòng Các hiệu ứng Môi trường đồng thời là quan chức hàng đầu của Văn phòng Chương trình Rác thải Quỹ đạo, cùng thuộc NASA - nhận định có ba vấn đề cơ bản liên quan tới việc dọn sạch rác vũ trụ cần được giải quyết. Phát biểu với hãng tin Tân Hoa xã, ông Kessler nêu rõ: "Thứ nhất là làm cách nào để dọn sạch rác vũ trụ một cách ít tốn kém nhất. Thứ hai là làm cách nào để dọn sạch những mảnh rác khó "tóm" được một cách chính xác, chẳng hạn như các mảnh rác xoay tròn trong vũ trụ. Thứ ba là chúng ta sẽ làm gì với đống rác vũ trụ đã dọn được". Ngoài ra còn có một yếu tố khác khiến hoạt động dọn sạch rác vũ trụ tiến triển chậm chạp, đó là việc NASA hàng năm không sử dụng bất kỳ khoản ngân sách chính phủ nào cho các chương trình nghiên cứu và làm sạch vũ trụ. Ông Kessler lo ngại sự gia tăng thường xuyên của các vụ va chạm trong vũ trụ sẽ tạo ra "một vành đai rác vũ trụ" dày tới mức trở thành hiểm họa cho các hoạt động phóng tên lửa hoặc vệ tinh vào không gian.

Báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (NRC) Mỹ về hiểm họa rác vũ trụ công bố hồi tháng 9 năm ngoái cho rằng, số rác này hiện đã "vượt đỉnh". Theo NRC, NASA cần tìm cách dọn dẹp đống rác trong vũ trụ, nếu không, các vệ tinh có tầm quan trọng trong lĩnh vực viễn thông, kinh tế và quốc phòng cũng như các phi hành gia sẽ đối mặt với những vụ "tai nạn giao thông" nghiêm trọng trên trời.

Hiện có hai sáng kiến hứa hẹn mang lại khả năng dọn sạch rác vũ trụ một cách hiệu quả, đó là sử dụng hệ thống lade có cường độ đủ mạnh để "đẩy" các mảnh rác vũ trụ vào quỹ đạo thấp hơn rồi đốt cháy chúng và tạo ra một "ma trận" lưới để "vợt" các mảnh rác vũ trụ. Tuy nhiên, theo ông Kessler, đây cũng không phải là những giải pháp toàn diện trong vấn đề dọn sạch vũ trụ.

Trên thực tế, có khá nhiều công ty ở Bắc Mỹ đã tích cực thực hiện các dự án dọn rác vũ trụ. Một trong số đó là Công ty Nghiên cứu và Công nghệ Ngôi sao (STAR) ở Mount Pleasant, bang Nam Carolina. STAR mới đây đã được NASA đầu tư gần 2 triệu USD cho hoạt động chế tạo một tàu vũ trụ chuyên làm nhiệm vụ dọn sạch vũ trụ với tên gọi EDDE. Nếu thành công, EDDE sẽ "tóm gọn" các vệ tinh "chết" nặng tới 1 tấn trong quỹ đạo.

Jerome Pearson, người phát ngôn của STAR, tiết lộ: "EDDE sẽ sử dụng năng lượng mặt trời để "chu du" trong từ trường của Trái đất giống như một chiếc thuyền buồm no gió. Việc chế tạo EDDE là một công nghệ mang tính đột phá nhằm dọn sạch tất cả các mảnh rác vũ trụ có kích thước lớn và nguy hiểm ở quỹ đạo gần Trái đất". Theo mô hình thiết kế, khi gặp một vệ tinh "chết", EDDE sẽ "phóng" ra một tấm lưới cỡ lớn "tóm gọn" vệ tinh này, đưa nó xuống quỹ đạo thấp hơn rồi "phóng hỏa" đốt cháy nó trong bầu khí quyển của Trái đất. Sau đó, EDDE trở lại quỹ đạo cao hơn và tiếp tục hành trình tìm kiếm các vệ tinh "chết" khác.

Tuy nhiên, ông Pearson cho rằng EDDE vẫn chưa phải là giải pháp thực sự hiệu quả, bởi trong vũ trụ có quá nhiều các mảnh rác vũ trụ kích cỡ từ 1 - 10 cm. "Những mảnh rác này quá nhỏ, có thể "lọt lưới" của EDDE nhưng lại đủ lớn để phá hủy một vệ tinh hoặc làm hư hại môđun của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS)".

Giải phóng không gian vũ trụ khỏi vấn nạn rác thải không chỉ là vấn đề cấp bách đối với NASA mà còn đang được nhiều quốc gia nghiên cứu phương án thực hiện. Cơ quan không gian Nhật Bản (JAXA) dự định sử dụng… lưới đánh cá để làm sạch vũ trụ. Những chiếc lưới khổng lồ được đề xuất đưa lên một vệ tinh trên quỹ đạo. Tấm lưới dài vài km được tung ra nhờ bộ điều khiển đặc biệt và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lưới tự động tháo gỡ khỏi vệ tinh. Các mảnh rác thu thập được sẽ cùng lưới lọt vào bầu khí quyển để được thiêu hủy hoàn toàn. Các chuyên gia Thụy Sĩ cũng đang lên kế hoạch chế tạo "vệ tinh lao công" trị giá 11 triệu USD, với tên gọi CleanSpace One. Trong vòng 3 - 5 năm nữa, CleanSpace One sẽ sẵn sàng được phóng vào không gian với nhiệm vụ đầu tiên là dọn hai vệ tinh của nước này mới lên quỹ đạo vào năm 2009 và 2010 nhưng sắp bị loại bỏ.

Hồng Hạnh

Thang máy vũ trụ - không chỉ là giấc mơ
Thang máy vũ trụ - không chỉ là giấc mơ

Tới năm 2050, những người mê khám phá vũ trụ có thể lướt vào không gian nhờ một hệ thống thang máy công nghệ cao nếu như kế hoạch đầy tham vọng này của một công ty xây dựng Nhật Bản trở thành hiện thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN