Thang máy vũ trụ - không chỉ là giấc mơ

Tới năm 2050, những người mê khám phá vũ trụ có thể lướt vào không gian nhờ một hệ thống thang máy công nghệ cao nếu như kế hoạch đầy tham vọng này của một công ty xây dựng Nhật Bản trở thành hiện thực.

Hình ảnh đồ họa tưởng tượng thang máy đưa con người lên trạm vũ trụ, nơi lấy nguồn năng lượng từ hệ thống pin mặt trời lắp đặt gần đó.


Tập đoàn Obayashi có trụ sở tại Tôkyô cho biết, họ đã lên kế hoạch tới giữa thế kỷ này sẽ xây dựng một thang máy vũ trụ đặc biệt. Chiếc thang có chiều dài khổng lồ sẽ đưa hành khách “lên trời” với tốc độ 200 km/h, cho phép họ ở lại trạm vũ trụ nằm cách Trái đất 36.000 km, trong thời gian hơn một tuần.

Tờ Yomiru Shimbun cho biết, theo kế hoạch của Obayashi, một dây cáp sẽ được kéo dài từ một sân bay vũ trụ trên bề mặt Trái đất tới độ cao khoảng 96.000 km so với mặt biển, tức khoảng ¼ khoảng cách giữa Trái đất với Mặt trăng. Một vật thể đối trọng ở cuối dây sẽ giúp “neo” chiếc dây cáp trong không gian, trong khi một khoang chở được 30 người, có thể sử dụng các môtơ tuyến từ tính, sẽ trượt theo dây cáp, đưa hành khách tới trạm vũ trụ.

Từ hàng thập kỷ nay, thang máy vũ trụ đã là ý tưởng của các tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng và những người theo thuyết vị lai, trong đó có Arthur C. Clarke (tiểu thuyết gia, nhà phát minh, nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng như “2001: A Space Odyssey” năm 1968). Đây được xem là một giải pháp thay thế việc phóng tên lửa tốn kém và tương đối nguy hiểm. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa một ai từng tìm cách biến ý tưởng này thành hiện thực.

Một trở ngại quan trọng trong kế hoạch tham vọng của Obayashi là tìm ra một loại vật liệu đủ mạnh và nhẹ để xây dựng một tuyến cáp siêu dài như vậy. Tuy nhiên, sự lạc quan của Obayashi đã được thúc đẩy nhờ một tiến bộ khoa học mới là việc phát minh ra cấu trúc hình trụ siêu nhỏ có tên carbon nanotube (vi ống cácbon), được bắt đầu phát triển từ những năm 1990.

Tuy vậy, kỹ thuật ống nano carbon hiện tại vẫn chưa sẵn sàng, và các kỹ sư phải tìm ra cách sản xuất chúng với chi phí rẻ hơn và hiệu quả hơn để có thể ứng dụng vào thang máy vũ trụ. “Thời điểm này, chúng tôi không thể tính toán chi phí của dự án. Tuy vậy chúng tôi sẽ cố gắng đạt được những tiến triển vững chắc để sẽ không kết thúc nó đơn giản như một giấc mơ”, một quan chức Obayashi phát biểu trên tờ Yomiuri Shimbun.

Ngoài thách thức về vật liệu, nhiều yếu tố khác cũng sẽ ảnh hưởng tới dự án đầy tham vọng này. Chẳng hạn, thang máy vào vũ trụ sẽ chịu ảnh hưởng của lực hấp dẫn từ Mặt trăng, Mặt trời cũng như gió Mặt trời. Nó có thể gây nguy hiểm đối với các chuyến bay và những vật thể bay quanh quỹ đạo tầm thấp của Trái đất. Ngoài ra, đây cũng có thể trở thành mục tiêu của những vụ tấn công khủng bố.

Tuy nhiên, nếu được xây dựng và đi vào hoạt động, thang máy vũ trụ sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho các chuyến du lịch vào không gian. Sẽ không có tải trọng, không rung lắc, không nhiên liệu kèm theo như những chuyến bay bằng tên lửa đẩy. Chuyến đi khi đó sẽ giống như lên một con tàu và chiếc thang có thể ví như một tuyến đường sắt xuyên lục địa vào vũ trụ.

Obayashi không phải là nơi đầu tiên xem xét nghiêm túc giấc mơ đi thang máy lên vũ trụ. Từ hơn một thập niên trước, các nhà nghiên cứu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đã công bố một báo cáo dài, trong đó có đề cập triển vọng ứng dụng vật liệu ống nano carbon vào thang máy vũ trụ. NASA cũng đã tài trợ cho Space Elevator Games, một cuộc thi nhằm phát triển những dạng tiền thân của hệ thống chuyên chở đầy tham vọng này.

Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN