Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 81.012.955 ca mắc và 987.615 ca tử vong. Số liệu thống kê do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 8/3 cho thấy số ca nhiễm dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19 tại Mỹ đã tăng gấp đôi sau mỗi tuần trong tháng vừa qua. Theo đó, trong tuần kết thúc vào ngày 5/2, số ca nhiễm BA.2 chỉ chiếm 1% số trường hợp mắc mới COVID-19 tại Mỹ, nhưng tỷ lệ này đã tăng lên 2,2% trong tuần kết thúc vào ngày 12/2, tiếp đó là 3,8% trong tuần kết thúc vào ngày 19/2 và 6,6% trong tuần kết thúc vào ngày 26/2.
Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca mắc với 42.975.883 ca, đứng thứ ba về số ca tử vong với 515.386 ca. Trong khi đó, với 29.144.964 ca mắc và 652.936 ca tử vong, Brazil đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc nhưng thứ 2 thế giới về số ca tử vong.
Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 ở Lào tiếp tục cải thiện khi Bộ Y tế nước này ghi nhận số ca mắc mới ở mức thấp với 208 ca. Tính tới thời điểm hiện tại, Lào ghi nhận tổng cộng 144.759 ca mắc COVID-19, trong đó có 634 ca tử vong. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh, Chính phủ Lào đã cho phép người muốn nhập cảnh có thể đăng ký trực tuyến để nhận mã QR vaccine (ID vaccine) tại trang laogreenpass.gov.la. Đây cũng là cách để Chính phủ Lào kiểm tra tình trạng tiêm chủng và kết quả xét nghiệm RT-PCR của người muốn nhập cảnh. Ngoài ra, trong tháng 3 này, Chính phủ Lào sẽ mở một trung tâm dữ liệu trực tuyến thu thập thông tin về số lượng người đang tự cách ly sau khi tự xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhằm hạn chế tình trạng nhiều người tự xét nghiệm có kết quả dương tính nhưng không báo cáo cơ quan chức năng.
Trong ngày 9/3, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 lần đầu tiên vượt 300.000 ca/ngày, trong bối cảnh cử tri nước này đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử chính thức để chọn ra vị tổng thống thứ 20. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục, 342.446 trường hợp trong 24 giờ, tăng mạnh so với 202.721 ca ghi nhận một ngày trước đó. Như vậy, tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận 5.212.118 ca mắc. Cơ quan y tế Hàn Quốc trước đó dự báo làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron hiện tại có thể sẽ lên mức đỉnh điểm vào ngày 12/3 với khoảng 354.000 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, tốc độ lây nhiễm đang cao hơn dự đoán.
Tại Trung Quốc, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã nhấn mạnh ưu tiên hiện nay của chính quyền là giảm số ca bệnh nặng và ca tử vong, chứ không phải xét nghiệm bắt buộc toàn dân. Theo người đứng đầu Hong Kong, chính quyền đặc khu vẫn đang lên kế hoạch cụ thể việc xét nghiệm, nhưng khi nào bắt đầu thì cần xem diễn biến của dịch bệnh và liệu có đạt được hiệu quả tối ưu hay không. Tính đến ngày 8/3, Hong Kong ghi nhận tổng cộng 512.611 ca mắc mới trong làn sóng lây nhiễm thứ 5 và 2.365 trường hợp tử vong, chủ yếu là người cao tuổi.
Tại châu Âu, Chính phủ Áo cho biết nước này đang đình chỉ luật bắt buộc tất cả người trưởng thành phải tiêm vaccine ngừa COVID-19, chỉ một tháng sau khi trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng quy định nghiêm ngặt trên. Bộ trưởng Y tế Áo Johannes Rauch cho biết nhà chức trách sẽ tiến hành đánh giá thêm về biện pháp này theo các khía cạnh y tế công cộng và luật pháp trong vòng 3 tháng tới. Tính đến hết ngày 8/3, Áo ghi nhận gần 3 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 15.000 ca tử vong kể từ đầu dịch.
Tại châu Mỹ, dịch COVID-19 tại Cuba có chiều hướng giảm rõ rệt trong thời gian gần đây. Bộ Y tế công cộng Cuba ngày 8/3 ghi nhận 447 ca mắc mới COVID-19, không có thêm ca tử vong nào. Tỉnh Holguin tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới cao nhất cả nước trong ngày thứ tư liên tiếp - với 89 ca, tiếp đó là Sancti Spiritus với 72 ca và Matanzas 59 ca. Tính đến nay Cuba đã ghi nhận tổng cộng 1.073.951 ca mắc COVID-19, trong đó 8.501 người tử vong. Hơn 9,8 triệu người trong tổng dân số 11,2 triệu người của Cuba đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 6 triệu người đã được tiêm một liều tăng cường.
Trong một phát biểu đánh dấu 2 năm kể từ khi COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo đại dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới suốt 2 năm qua chưa kết thúc và có thể kéo dài hơn nữa do tình trạng "bất bình đẳng nghiêm trọng" trong phân phối vaccine. Ông kêu gọi toàn thế giới “cùng nhau nỗ lực để chấm dứt đại dịch và vĩnh viễn khép lại chương buồn này của lịch sử nhân loại”.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra tuyên bố cho biết WHO “ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp cận khẩn cấp và rộng rãi” với mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan trên toàn cầu. Nhóm chuyên gia của WHO kết luận rằng các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được cấp phép tạo ra miễn dịch mang lại sự bảo vệ cao, phòng ngừa nguy cơ bệnh trở nặng và nguy cơ tử vong. Theo đó, WHO khuyến nghị các nước thực hiện tiêm mũi vaccine tăng cường khi có nguồn cung phù hợp và sau khi bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất.