Nguyên nhân khiến Hong Kong có tỉ lệ tử vong COVID-19 cao nhất thế giới

Hong Kong (Trung Quốc) đã không có sự chuẩn bị ứng phó đúng mức trước kịch bản lây nhiễm diện rộng. Cùng lúc, tỉ lệ tiêm phòng vaccine ở đối tượng người cao tuổi ở mức thấp sau nhiều tháng Hong Kong có số ca nhiễm gần bằng không.

Chú thích ảnh
Hong Kong/Trung Quốc ưu tiên tiêm phòng cho người già, nhưng vẫn nhiều người chần chừ tiêm chủng. Ảnh: Bloomberg

Khoảng một năm trước đây, Rio Ling (tên nhân vật), quyết định chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cha 86 tuổi của anh. Ling lo sợ nhiều hơn về tác dụng phụ của vaccine, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở Hong Kong tại thời điểm đó được giữ ở mức thấp nhờ chính sách “Không Covid” (Zero Covid) của nhà chức trách.

Đến tháng 1/2022, Ling thay đổi quyết định sau khi biến thể Omicron xuyên thủng lớp phòng vệ của Hong Kong. Nhưng mọi chuyện đã muộn. Chỉ ít giờ sau khi hoàn tất mũi tiêm vào cuối tháng 2, cha của Ling, người mắc chứng huyết áp cao và sa sút trí tuệ, có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Đây không phải là trường hợp duy nhất. Tại thời điểm Omicron bắt đầu lây lan ở Hong Kong, vẫn có khảng 500.000 người trên 70 tuổi ở đặc khu kinh tế này chưa tiêm chủng vaccine. Như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, chính quyền Hong Kong ưu tiên tiêm vaccine cho người già. Nhưng những e ngại về độ an toàn của vaccine, được đồn thổi bởi truyền thông địa phương liên quan đến một số ca tử vong sau tiêm, cùng với tỉ lệ nhiễm bệnh lúc đó thấp, đã khiến nhiều người cao tuổi trì hoãn tiêm chủng.

Độ che phủ vaccine thấp ở nhóm đối tượng người cao tuổi là một nguyên nhân khiến Hong Kong ghi nhận mức tỉ lệ tử vong cao nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Tính trung bình trong tuần kết thúc ngày 6/3, tỉ lệ này là 25,5 ca tử vong/1.000.000 dân, cao gấp 5 lần so với Mỹ và đứng đầu trong bản xếp hạng của “Our World in Data”, một dự án dữ liệu do Đại học Oxford vận hành, chuyên cung cấp thông tin về mức tử vong do COVID-19 tính trên đơn vị 1.000.000 dân.

Giới chức y tế Hong Kong cho biết 90% số người tử vong trong đợt dịch này rơi vào nhóm chưa tiêm vaccine và đa phần trong số này là người già trên 60 tuổi. Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), ngày 8/3 tuyên bố chính quyền sẽ ưu tiên bảo vệ nhóm người già, giảm tỉ lệ tử vong và chuyển bệnh nặng ở số nhiễm bệnh, đồng thời lui kế hoạch xét nghiệm bắt buộc trên toàn bộ vùng lãnh thổ này.

Làn sóng Omicron khiến Hong Kong với mật độ dân số lớn hứng chịu hậu quả nặng nề. Trong cả giai đoạn từ 2020-2021, vùng lãnh thổ với 7,4 triệu dân này chỉ ghi nhận 13.000 ca nhiễm, 213 cả tử vong. Nhưng kể từ cuối tháng 12 đến nay, Hong Kong có 500.000 ca nhiễm và 2.365 ca tử vong.

Các bệnh viện và trung tâm cách ly tại Hong Kong đang rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều viện dưỡng lão giờ đây đối diện với bùng phát lây nhiễm. Hiện có khoảng 60.000 người cao tuổi đang sống trong các trại dưỡng lão ở Hong Kong, với tuổi thọ thuộc diện cao nhất thế giới, 82,9 tuổi với nam giới và 88 tuổi với nữ.

Tại các trại dưỡng lão, nhiều người sinh hoạt, ngủ nghỉ trong các phòng ký túc, dùng chung nhà tắm. Số lượng nhân viên chăm sóc tại đây cũng giảm, do bị mắc COVID-19. Tính đến ngày 8/3, Omicron đã xuất hiện ở 87% trong tổng số 800 cơ sở dưỡng lão tại Hong Kong. Thiếu không gian để cách ly hiệu quả với người đã nhiễm, lây nhiễm dự báo sẽ còn tiếp tục lan rộng ở những trung tâm này.

Tuấn Linh/Báo Tin tức (Theo WSJ)
Chuyên gia Mỹ: Không có mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 và các ca tử vong sau tiêm
Chuyên gia Mỹ: Không có mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 và các ca tử vong sau tiêm

Trong một nghiên cứu về các tác dụng phụ của vaccine ngừa COVID-19, các nhà khoa học tại Mỹ đã rút ra kết luận rằng không có mối liên hệ nào giữa việc tiêm liều vaccine cơ bản và các ca tử vong sau tiêm phòng. Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí y khoa Lancet.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN