Thế giới có những nước nào áp đặt lệnh phong toả để ngăn chặn dịch COVID-19

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành các biện pháp phong toả nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Dưới lệnh phong toả, hơn 1/3 cư dân toàn cầu đã được yêu cầu ở trong nhà.

Chú thích ảnh
Một sĩ quan cảnh sát canh giữ hàng rào phong toả tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19. Tổ chức này cũng kêu gọi tất cả các quốc gia tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp có hiệu quả nhằm hạn chế số ca mắc bệnh và làm chậm sự lây lan của virus.

Theo bà Lindsay Wiley, Giáo sư luật y tế tại Đại học Luật Washington, mặc dù từ “phong toả” không phải là một thuật ngữ kỹ thuật được sử dụng bởi các quan chức y tế công cộng. Tuy nhiên nó có thể đề cập đến bất kỳ điều gì từ phong toả địa lý bắt buộc đến các khuyến nghị không bắt buộc ở nhà, đóng cửa một số loại hình kinh doanh hoặc cấm các sự kiện và những cuộc họp mặt.

Dưới đây là các quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện lệnh phong toả bắt buộc và đóng cửa biên giới cho đến nay:

Khu vực châu Á

Thái Lan đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng kể từ hôm 3/4. Trước đó, nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 tuần, chỉ cho phép người dân cần trợ giúp y tế ra khỏi nhà. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: Reuters

Ấn Độ đã phong toả toàn quốc trong 21 ngày vì virus SARS-CoV-2 bắt đầu từ hôm 24/3. Theo đó, 1,3 tỷ dân Ấn Độ phải thực hiện lệnh tự cách ly tại nhà và phải giữ khoảng cách xã hội.

Trung Quốc là quốc gia đã thực hiện lệnh phong toả lớn nhất trong lịch sử loài người để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Đất nước này đã phong toả ít nhất 16 thành phố vào cuối tháng 1. Trong giai đoạn cao điểm, lệnh phong toả của Trung Quốc được thực hiện ít nhất trên 20 tỉnh và khu vực. 

Thành phố Vũ Hán - nơi bùng phát đầu tiên - đã bị phong toả vào ngày 23/1. Trong gần 6 tuần, đường phố gần như bị bỏ hoang khi cư dân Vũ Hán tự cách ly trong nhà của họ.

Chú thích ảnh
Đường phố Vũ Hán khi tiến hành lệnh phong toả. Ảnh: Reuters

Ngay sau khi áp đặt các hạn chế đối với Vũ Hán, Trung Quốc đã “khóa chặt” 15 thành phố khác, bao gồm thành phố Hoàng Cương 7,5 triệu dân và Tô Châu gần 11 triệu dân. 

Theo WHO, các biện pháp ngăn chặn của Trung Quốc đã ngăn chặn nhiều trường hợp mắc bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Tới nay, Trung Quốc đã dỡ bỏ phong tỏa hầu hết các khu vực ở tỉnh Hồ Bắc.

Từ hôm 19/3, Israel đã tiến hành phong tả một phần đất nước, người nước ngoài cũng bị cấm nhập cảnh vào nước này. Ngày 25/3, các hạn chế được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa khi từ 5 giờ chiều, người Israel sẽ không được phép ra khỏi nhà ngoại trừ các lý do cần thiết như mua thực phẩm và thuốc men. Nhiều doanh nghiệp tại nước này đã phải đóng cửa.

Chính phủ Malaysia tuyên bố tất cả các hoạt động kinh doanh sẽ phải đóng cửa ngoại trừ các cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm như chợ dân sinh, đài phát thanh truyền hình, ngân hàng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Malaysia cũng cấm du lịch trong và ngoài nước, đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu. Đất nước này cũng đã hủy bỏ các cuộc tụ họp và sự kiện lớn cho đến tháng Tư.

Chú thích ảnh
Nhà thờ Hồi giáo bị phong toả tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Reuters

Saudi Arabia đã phong toả thủ đô và 2 thành phố Hồi giáo linh thiêng là Mecca và Medina từ ngày 25/3. Cư dân trong các thành phố sẽ không được phép đi lại tự do và phải tuân theo lệnh giới nghiêm kéo dài 4 giờ. Quốc gia này cũng đã đình chỉ các chuyến bay quốc tế và đóng cửa các nhà thờ, trường học và các nhà hàng để ngăn chặn virus lây lan.

Khu vực châu Âu, các nước phương Tây

Thủ tướng New Zealand cho biết toàn bộ người nhập cảnh vào nước này từ bất kỳ đâu trên thế giới cũng phải tự cách ly 14 ngày. Hôm 25/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và lệnh phong tỏa đất nước cũng sẽ có hiệu lực từ đêm cùng ngày.

Chú thích ảnh
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hôm 25/3. Ảnh: Reuters

Vương quốc Anh đã tiến hành phong toả đất nước từ hôm 23/3, Thủ tướng Boris Johnson cho biết công dân sẽ chỉ được phép rời khỏi nhà để làm những việc thiết yếu, tập thể dục, mua thực phẩm hoặc thuốc men. Các cuộc tụ họp trên 2 người - ngoại trừ những người sống cùng nhau – cũng sẽ bị cấm, như hầu hết các nghi lễ khác ngoài đám tang.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters

Australia đã đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu từ hôm 23/3. Hôm 31/3, bang đông dân nhất nước này New South Wales -– tâm chấn bùng phát virus – cũng  đã được đưa vào tình trạng phong toả chặt chẽ hơn. Khi đó, bất cứ ai rời khỏi nhà của họ "không có lý do chính đáng" đều phải đối mặt với án phạt hoặc tù giam.

Bỉ đã phong toả hoàn toàn từ hôm 1/4, lệnh này có hiệu lực ít nhất đến ngày 5/4. Theo đó, chính phủ đã yêu cầu công dân ở nhà và hạn chế tiếp xúc không cần thiết.

Chú thích ảnh
Ga tài điện ngầm tại Bỉ vắng tanh trước lệnh phong toả vì dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Việc đi lại của người dân sẽ bị giới hạn trong các mục đích thiết yếu như tới các siêu thị, hiệu thuốc và ngân hàng hoặc cho các trường hợp khẩn cấp, nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa, Thủ tướng Sophie Wilmes cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ 31/3. 

Hãng hàng không Brussels của Bỉ cũng đã tạm dừng các chuyến bay từ ngày 21/3 đến ngày 19/4.

Liên minh châu Âu đã cấm du lịch không cần thiết vào khu vực này trong ít nhất 30 ngày khi châu Âu giờ đã trở thành tâm điểm của đại dịch.

“Càng ít đi du lịch, chúng ta càng có thể dễ dàng kiểm soát được virus. Chúng tôi nghĩ rằng du lịch không cần thiết nên được hạn chế ngay bây giờ dù là ở trong Liên minh châu Âu hoặc rời khỏi Liên minh châu Âu”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen, nói. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen. Ảnh: Reuters

Đức đã tuyên bố đóng cửa các cửa hàng, nhà thờ, trung tâm  thể thao, quán bar và các câu lạc bộ ở 16 tiểu bang. Thủ tướng Angela Merkel cho biết đây là biện pháp vô cùng quyết liệt và chưa từng thấy trong lịch sử hậu chiến của Đức.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết đây là biện pháp chưa từng thấy trong lịch sử hậu chiến Đức.  Ảnh: Reuters

Cộng hòa Séc đã đóng cửa hầu hết các cửa hàng và nhà hàng trong 10 ngày và cấm ngườii dân đi du lịch nước ngoài. Các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, ngân hàng, bưu điện, trạm xăng đều được phép mở cửa. Đất nước này cũng đã đóng cửa các trường học và cấm nhiều sự kiện công cộng.

Chú thích ảnh
Thành phố ở Prague, Cộng hòa Séc thực hiện phong toả. Ảnh: Reuters

Pháp đã đóng cửa toàn bộ doanh nghiệp không thiết yếu. Hôm 16/3, quốc gia này đã thực hiện lệnh phong toả hoàn toàn, cấm các cuộc tụ họp công cộng và đi bộ bên ngoài.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết lệnh phong toả kéo dài 15 ngày sẽ cấm mọi cuộc tụ họp công cộng và đi bộ ngoài trời. Những người vi phạm lệnh phong toả sẽ bị trừng phạt.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Pháp tuyên bố đóng cửa các quán cà phê, nhà hàng, rạp chiếu phim, hộp đêm và cửa hàng do đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuter

Tây Ban Nha trở thành quốc gia châu Âu thứ 2 áp dụng lệnh phong toả toàn quốc từ ngày 14/3. Lệnh phong toả kéo dài đến ít nhất đến ngày 12/4. 

Ba Lan tuyên bố đã đóng cửa các doanh nghiệp và cấm du lịch quốc tế. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố hôm thứ Sáu rằng nước này "cấm người nước ngoài vào nước này cũng như đóng cửa tất cả các nhà hàng, quán bar và sòng bạc”.

Khu vực châu Phi

Tại châu Phi, Morocco, Kenya Nam Phi là các quốc gia đều đã thực thi lệnh phong toả đất nước. 

Trong đó, Morocco đã đình chỉ các chuyến bay quốc tế từ hôm 15/3 và tiến hành đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo, trường học, nhà hàng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Hôm 15/3, các trường học, quán rượu và nhà hàng tại Kenya cũng đã bị đình chỉ hoạt động, nhiều người dân được yêu cầu thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế virus lây lan.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Kenya khi khử trùng tại  thị trấn Rongai gần Nairobi, Kenya. Ảnh: Reuters

“Tôi muốn đảm bảo rằng chính quyền của tôi luôn đi đầu trong việc kiểm soát đại dịch này”, Tổng thống Uhuru Kenyatta nói.

Khu vực châu Mỹ

Tổng thống El Salvador đã ban bố mức cảnh báo cam vì dịch COVID-19 vào tuần trước. Các biện pháp cảnh báo màu cam bao gồm lệnh phong toả quốc gia đối với 6,4 triệu dân, các trường học bị đóng cửa và người Salvador trở về nước từ nước ngoài phải trải qua cách ly 30 ngày.

Chú thích ảnh
Người dân El Salvador kiểm tra thân nhiệt. Ảnh: Reuters

Argentina cũng đã tiến hành phong toả "phòng ngừa và bắt buộc" từ hôm 21/3. Người dân chỉ được phép rời khỏi nhà của họ cho các dịch vụ thiết yếu. Lệnh phong toả kéo dài đến ngày 13/4.

Colombia đã bắt đầu phong toả toàn quốc từ 24/3, những người trên 70 tuổi được yêu cầu ở trong nhà cho đến tháng Năm. Lệnh phong toả dự kiến sẽ được thực hiện trong 19 ngày, nhưng có thể kéo dài thêm 3 tháng nữa.

Chú thích ảnh
Tổng thống Colombia Ivan Duque. Ảnh: Reuters

Nhiều quốc gia cũng đã đóng cửa biên giới để ngăn chặn du khách quốc tế lây lan virus:

Nước Nga đã tiến hành đóng cửa biên giới và huỷ bỏ mọi chuyến bay quốc tế, ngoại trừ việc đưa công dân về nước. Cư dân Moscow chỉ có thể ra ngoài đến các cửa hàng tạp hoá, hiệu thuốc, đi vứt rác hoặc dắt thú cưng đi dạo trong vòng 100 mét. Những người không tuân thủ quy định, lây bệnh cho người khác và truyền bá thông tin sai lệch sẽ phải đối mặt với án tù 5 năm.

Canada đã đóng cửa biên giới với bất kỳ ai không phải là công dân, thường trú nhân hoặc công dân Mỹ.

Lithuania đóng cửa biên giới vào thứ Hai để ngăn chặn gần như tất cả người nước ngoài, và để ngăn chặn hầu hết người dân rời khỏi đất nước, ngoại trừ các chuyến công tác.

Maldives đang buộc tất cả hành khách đi du lịch đến đất nước bằng đường hàng không phải cách ly 14 ngày.

Triều Tiên đã ngừng các chuyến bay của hãng hàng không và dịch vụ đào tạo với các nước láng giềng và thiết lập các khu vực cách ly cho khách du lịch gần đây.

Peru đột ngột đóng cửa biên giới trên bộ, trên biển và trên không, sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Một số du khách đã bị mắc kẹt khi các chuyến bay bị hủy và sân bay ngừng hoạt động.

Qatar đã dừng tất cả các chuyến bay đến nước này và đóng cửa các cửa hàng ở các khu vực thương mại chính.

Slovakia đã đóng cửa biên giới với những người không cư trú vào tuần trước.

Ukraine đã đóng cửa biên giới cho công dân nước ngoài trong hai tuần, sau khi nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên do virus.

Hải Vân/Báo Tin tức
Diễn biến COVID-19 trên thế giới tới 6h sáng 3/4: Thế giới trên 1 triệu người mắc bệnh, số ca tử vong cao kỷ lục trong ngày
Diễn biến COVID-19 trên thế giới tới 6h sáng 3/4: Thế giới trên 1 triệu người mắc bệnh, số ca tử vong cao kỷ lục trong ngày

Tới 6h sáng 3/4 (theo giờ Việt Nam), virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) khiến trên 1 triệu người mắc bệnh và trên 51.000 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN