Theo số liệu trang worldometers.info, tính đến 6h sáng 3/4, tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.009.662 và số ca tử vong là 52.855 người. Riêng trong vòng 24h qua, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 5.663 người.
Đây là kỷ lục về số ca tử vong tính theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12/2019 tại Trung Quốc.
Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 bình phục trên toàn thế giới là 211.889 người. Dịch bệnh đã tấn công 204 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện là Mỹ với 240.511 trường hợp. Xếp tiếp theo trong danh sách này gồm có Italy (115.242 ca), Tây Ban Nha (112.065 ca), Đức (84.788 ca), Trung Quốc (81.589 ca), Pháp (59.105 ca), Iran (50.468 ca) và Vương quốc Anh (33.718)...
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu tiếp tục diễn biến căng thẳng và chưa có dấu hiệu thuyên giảm khi số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng rất nhanh. Châu Âu đến ngày 2/4 đã ghi nhận 508.271 ca COVID-19 và 34.571 ca tử vong. Tuy nhiên, con số trên thực tế có thể còn cao hơn vì nhiều nước mới chỉ xét nghiệm các ca cần nhập viện. Tới thời điểm này, có hai nước ghi nhận tổng số ca tử vong vì bệnh COVID-19 vượt quá mốc 10.000 người là Italy và Tây Ban Nha.
Cụ thể, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo số ca tử vong do dịch COVID-19 đã lên tới 10.348 người sau khi quốc gia nằm bên bán đảo Iberia này ghi nhận mức tăng kỷ lục 961 ca tử vong trong đêm. Trong khi đó, số ca mắc bệnh cũng tăng lên 112.065, tăng từ mức 102.136 ca trong ngày 1/4.
Bộ Lao động nước này cho biết một trong các hậu quả lớn của dịch bệnh là số người thất nghiệp trong tháng 3 tăng thêm 302.265 người, mức tăng cao nhất hằng tháng ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu này sau khi ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3. Với mức tăng này, tổng số người thất nghiệp tại Tây Ban Nha trong tháng 3 đã lên tới 3,54 triệu người, đây cũng là mức cao thứ hai trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), chỉ sau Hy Lạp.
Italy tiếp tục là tâm dịch của châu Âu, trong vòng 24h qua đã chứng kiến thêm 4.668 ca bệnh mới và 760 người tử vong. Tới nay, “đất nước hình chiếc ủng” đã ghi nhận tổng cộng 115.242 ca nhiễm bệnh và 13.915 ca tử vong vì COVID-19.
Tại Pháp, ngày 2/4 chứng kiến số ca tử vong tăng đột biến khi có tới 1.355 người thiệt mạng, nhiều nhất thế giới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 5.387.
Thụy Sĩ ngày 2/4 thông báo đã ghi nhận tổng cộng 18.267 ca dương tính với SARS-CoV-2, tăng từ mức 17.139 trong ngày 1/4. Số ca tử vong tại nước này cũng tăng lên thành 432 người, tăng từ mức 378 trong ngày 1/4.
Trong khi đó, Hà Lan cho biết số ca tử vong tại nước này đã tăng thêm 166 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 lên thành 1.339 người. Số ca nhiễm tại Hà Lan đã tăng 8%, lên 14.697 người. Tại Bỉ, số ca tử vong đã lần đầu tiên vượt 1.000 ca, trong khi số ca nhiễm đã lên 15.348 ca kể từ khi bùng phát dịch.
Tại Bồ Đào Nha, quốc hội nước này ngày 2/4 đã phê chuẩn việc gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 15 ngày nhằm ngăn chặn virus lây lan, khi số ca tử vong ở nước này đã lên tới hơn 200 người. Trong cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện, chỉ một nghị sĩ bỏ phiếu chống, 10 phiếu trắng và 215 phiếu thuận. Cho đến nay, Bồ Đào Nha đã nghi nhận 9.034 ca nhiễm và 209 ca tử vong. Giới chức y tế nước này dự báo đỉnh dịch sẽ xảy ra vào cuối tháng 5.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cùng ngày cho biết London sẽ "tăng cường xét nghiệm hàng loạt" trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang hoành hành mạnh. Trong một thông điệp truyền hình đăng tải trên mạng tối 1/4 từ Phố Downing, nơi ông đang thực hiện tự cách ly từ hôm 27/3 do dương tính với virus, Thủ tướng Johnson cho biết: "Chúng ta sẽ tăng cường xét nghiệm hàng loạt".
Theo ông Johnson, xét nghiệm là cách để giải quyết câu hỏi về việc virus đang ở đâu, là "cách để chúng ta đánh bại nó". Theo số liệu mới nhất, Anh đã ghi nhận 2.921 ca tử vong, tăng 569 ca so với 1 ngày trước. Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Anh là 33.718.
Đức ghi nhận thêm 176 trường hợp tử vong vì dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 1.107, trong khi số ca mắc bệnh hiện là 84.788. Ba bang có số ca nhiễm cao nhất là Bayern với 19.000 ca và 277 ca tử vong, Nordrhein-Westfalen với trên 17.000 ca, 197 ca tử vong) và Baden-Württemberg với trên 14.500 ca nhiễm, 241 ca tử vong. Số người mắc COVID-19 ở thủ đô Berlin đang tiếp tục tăng, lên gần 3.000 trường hợp và 19 ca tử vong.
Viện Dịch tễ liên bang Đức Robert Koch (RKI) đã thay đổi quan điểm trong việc đeo khẩu trang, theo hướng ủng hộ việc sử dụng đồ bảo hộ này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm. Trang web của RKI đã ra khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang phòng ngừa ngay cả khi người đó không có triệu chứng bị bệnh và việc đeo khẩu trang có thể giúp làm giảm nguy cơ lây lan virus cho người khác. Trước đây, RKI chỉ khuyến cáo việc dùng khẩu trang cho những người mắc bệnh hô hấp cấp tính.
Cùng ngày, tập đoàn Siemens vừa thông báo phát triển thành công bộ xét nghiệm cho kết quả trong chưa đầy 3 giờ. Hiện Siemens đang nộp đơn lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin giấy phép sử dụng thiết bị này cho các bệnh viện và cơ sở y tế.
Nga cũng đã ghi nhận thêm 771 trường hợp mới nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 29 tỉnh thành và khu vực, đưa tổng số người mắc bệnh COVID-19 ở nước này lên 3.548 người. Tính tới sáng 3/4, Nga đã có 30 trường hợp tử vong và 235 người khỏi bệnh.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Nội các ngày 1/4, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết nước này dành 1.400 tỷ rúp (17,8 tỷ USD) để chống dịch bệnh COVID-19 cũng như tình trạng suy thoái kinh tế.
Thủ tướng Nga cam kết thực hiện các biện pháp bổ sung đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng khiến nền kinh tế đứng bên bờ vực suy thoái này. Nga đang tăng cường ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 trong khi còn phải đối mặt với cú sốc giá dầu - một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga – xuống mức thấp trong 18 năm qua kèm theo sự mất giá nhanh chóng của đồng nội tệ.
Tại Mỹ, trong ngày 2/4, nước này có thêm 708 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 5.810; trong khi số người mắc bệnh hiện đã lên tới 240.511, tăng thêm 25.508 ca so với trước đó 1 ngày. Mỹ vẫn là quốc gia có số lượng ca COVID-19 nhiều nhất thế giới.
New York là “tâm dịch” tại Mỹ. Thống đốc bang này, ông Andrew Cuomo ngày 2/4 cho biết với tốc độ sử dụng máy thở cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhiều như hiện nay, tiểu bang chỉ còn đủ máy dùng cho người bệnh thêm 6 ngày nữa.
New York chỉ còn 2.200 máy thở dự trữ và mỗi ngày tiểu bang New York lại phải dùng máy thở cho khoảng 350 bệnh nhân mới. Mặc dù chính quyền liên bang đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho New York hiện đang là tâm dịch lớn nhất nước Mỹ nhưng rất có thể Nhà Trắng cũng không xoay xở được với tình hình gấp như vậy.
Thiệt hại kinh tế của dịch bệnh đang ngày càng hiện rõ khi Bộ Lao động Mỹ ngày 2/4 thông báo có thêm 6,65 triệu lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, mức cao nhất trong lịch sử, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa trên toàn đất nước.
Số liệu thống kê của tuần kết thúc ngày 28/3 cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã cao gấp đôi số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp hồi tuần trước đó (3,28 triệu đơn). Bộ Lao động Mỹ cho biết hầu hết các bang của Mỹ đều bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động tới hầu hết các ngành nghề, đặc biệt là kinh doanh khách sạn, sản xuất và bán lẻ.
Giới chuyên gia tin rằng chuỗi thời gian bùng nổ việc làm dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, bắt đầu vào tháng 10/2010, đã chấm dứt trong tháng trước. Tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán tăng 0,3 điểm phần trăm lên 3,8% trong tháng Ba.
Quốc gia Bắc Mỹ Canada cũng đã có 11.131 người mắc COVID-19 (tăng gấp đôi trong 6 ngày qua), trong đó 161 người tử vong. Tờ Globe and Mail cho biết virus SARS-CoV-2 đã lây lan tới ít nhất 600 viện dưỡng lão ở Canada, gây áp lực lớn đối với các nhân viên chăm sóc y tế đang ở tuyến đầu của đại dịch.
Để đối phó với nguy cơ số bệnh nhân trong đại dịch COVID-19 tăng mạnh, ba tỉnh bang lớn nhất Canada - British Columbia, Quebec và Ontario - đã bắt đầu xây dựng các bệnh viện dã chiến và công bố kế hoạch chuyển đổi một số cơ sở thành bệnh viện.
Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua đã tăng thêm 163 người, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 1.378 người, trong đó có 37 ca tử vong. Có khoảng 16% trên tổng số ca bệnh cần chăm sóc y tế, trong đó 4% đang ở tình trạng nguy kịch. Tính tới thời điểm hiện tại, nhiều quan chức cấp cao của Mexico đã có xét nghiệm dương tính với virus SARC-CoV-2, gồm 3 thống đốc bang và 2 nghị sỹ.
Chính phủ liên bang Mexico đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia, qua đó hàng loạt các biện pháp đã được áp dụng, gồm đình chỉ lập tức các hoạt động không thiết yếu trong khu vực công và tư nhân cho đến ngày 30/4, không tổ chức các cuộc họp hoặc hội nghị của hơn 50 người và tuân thủ nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 2/4 cho biết hiện tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên gần 10.000 ca (9.976). Số ca tử vong là 169 (thêm 4 trường hợp mới), trong số đó chủ yếu vẫn là người cao tuổi (trên 70) và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 261 nâng tổng số lên 5.828 người.
Theo KCDC, hiện số lượng người nhiễm mới mỗi ngày đã giảm xuống chỉ trên dưới 100 ca, song vẫn tiềm ẩn mối nguy cơ lớn khi trung bình mỗi ngày Hàn Quốc đón khoảng 300 người có triệu chứng nhiễm bệnh từ nước ngoài nhập cảnh, 20-30% trong số đó dương tính với SARS-CoV-2.
Chính quyền quận Songpa ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã tuyên bố hủy Lễ hội hoa anh đào hồ Seokchon dự kiến được tổ chức vào đầu tháng Tư, coi đây là một trong những nỗ lực nhằm góp phần ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Hàn Quốc cũng đang xúc tiến tổ chức cuộc họp trực tuyến đặc biệt ASEAN+3 (APT) để thảo luận về đại dịch COVID-19. APT gồm 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tính tới hết ngày 2/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng gần 11.000 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 348 ca tử vong. Các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia.
Tới rạng sáng 3/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tổng cộng 10.964 ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2, trong đó có 812 ca mới.
Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm này đã tăng lên 348, nhiều hơn 33 ca so với một ngày trước đó. Tín hiệu đáng mừng là các nước trong khu vực cũng thông báo 1.785 người đã được điều trị thành công và xuất viện.
Thái Lan đã ghi nhận 1.875 ca mắc bệnh COVID-19 và 15 ca tử vong. Riêng trong ngày 2/4, Thái Lan đã có thêm 104 người dương tính với virus SARS-CoV-2.
Phát biểu trên truyền hình chiều 2/4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tuyên bố áp lệnh giới nghiêm toàn quốc để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 22h ngày 3/4 cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trong 24h qua, Malaysia đã ghi nhận thêm 208 ca COVID-19 và 5 người tử vong, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 3.116, trong đó có 50 người tử vong. Đây là quốc gia có số ca nhiễm virus nhiều nhất tại ASEAN.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2/4 dự báo đỉnh dịch COVID-19 tại Malaysia có thể vào giữa tháng 4 khi mà đồ thị về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang chững lại đi ngang.
Philipines trong ngày 2/4 ghi nhận số ca COVID-19 mới cao kỷ lục tính theo ngày và cao nhất khu vực, với 322 trường hợp.
Tính tới rạng sáng 3/4, Philippines đã có tổng cộng 2.633 người nhiễm chủng virus này, trong đó 107 người tử vong.
Tại Indonesia, "quốc gia vạn đảo" đã ghi nhận tổng cộng 1.790 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 170 ca tử vong (13 ca mới so với ngày 1/4). Hiện dịch bệnh đã lây lan ra 32/34 tỉnh thành của quốc gia Đông Nam Á này.
Tại châu Phi, ngày 2/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) có trụ sở tại thủ đô Addis Abeba, Ethiopia, cho biết châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 6.213 trường hợp mắc bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 221 ca đã tử vong.
Theo ACDC, dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện ở 49/55 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu lục này. Số người mắc bệnh và tử vong do dịch bệnh này đang tăng nhanh. Cụ thể, châu Phi ghi nhận thêm 427 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua. Ngoài ra, tổng số ca được chữa khỏi được ghi nhận đến thời điểm hiện tại là 469 người.
Một số quốc gia có số ca nhiễm cao nhất và có số lượng nhiễm mới tăng nhanh nhất trong vòng 24 giờ ở châu lục này gồm Nam Phi với tổng cộng 1.462 ca nhiễm và 5 người chết (tăng 82 ca so với một ngày trước đó); tiếp theo là Algeria với 986 ca và 83 người chết (tăng 139 ca và 25 người chết); Ai Cập với 865 ca nhiễm và 58 người chết (tăng 86 ca và 6 người tử vong); Morocco với 708 ca nhiễm và 44 người chết (tăng 54 ca nhiễm và 5 ca tử vong); Tunisia với 455 ca nhiễm và 14 người chết (tăng 32 ca nhiễm và 2 ca tử vong).