Thấy gì từ khoảng trống ngoại giao bất thường giữa Mỹ và Trung Quốc

Trong thời gian tới, Trung Quốc và Mỹ đều sẽ không có đại sứ tại thủ đô mỗi nước. 

Chú thích ảnh
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải sẽ rời Washington D.C trong tuần này. Ảnh: CNN

Theo hãng tin CNN, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ giữ vị trí lâu nhất trong lịch sử Thôi Thiên Khải đã thông báo sẽ rút khỏi chức vụ này sau 8 năm làm việc tại Washington. Động thái này được cho là tạo thêm một lớp bất ổn trong quan hệ giữa hai cường quốc.

Trong khoảng thời gian làm việc tại Mỹ trải dài 3 đời tổng thống Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden, vị đại sứ Trung Quốc 68 tuổi này đã chứng kiến quá trình thay đổi sâu sắc trong quan hệ Mỹ-Trung.

Trong khi Bắc Kinh ngày càng tự tin và quyết đoán, đòi hỏi nước này phải được đối xử bình đẳng thì Washington cũng trở nên cảnh giác trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, coi đây là đối thủ chiến lược và là mối đe dọa tiềm tàng đối với trật tự thế giới do Mỹ chi phối.

“Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở ngã rẽ quan trọng. Mỹ đang tham gia vào một vòng tái cơ cấu mới trong chính sách đối với Trung Quốc. Họ phải đối mặt với sự lựa chọn giữa hợp tác và đối đầu", Đại sứ Thôi Thiên Khải viết trong một bức thư chia tay đăng trên website chính thức của đại sứ quán ngày 22/6.

Cho đến khi người kế nhiệm được công bố và tiếp quản, cả Bắc Kinh và Washington đều không có đại diện ngoại giao cấp cao của nhau tại thủ đô mỗi nước.

Năm ngoái, do cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad cũng đã rời khỏi Bắc Kinh. Ông Nicholas Burns – một cựu quan chức ngoại giao – là ứng viên hàng đầu tiếp quản vị trí song chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn chưa có thông báo chính thức.

Khoảng trống ngoại giao bất thường trên giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là dấu hiệu mới nhất về sự rạn nứt đang xảy ra trong mối quan hệ song phương quan trọng này.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trên nhiều mặt trận, từ thương mại đến công nghệ, từ địa chính trị đến quốc phòng. Với việc Tổng thống Biden coi Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng, đồng thời tìm cách thành lập một liên minh để kiểm tỏa Bắc Kinh trong thời gian gần đây, căng thẳng dự kiến có thể tiếp tục leo thang hơn nữa.

Nhiều người đánh giá ông Thôi Thiên Khải là nhân tố ổn định hiếm hoi trong mối quan hệ đầy biến động giữa hai nước. Ông là ví đụ điển hình của những nhà ngoại giao kiểu truyền thống của Trung Quốc, thể hiện lập trường kiên định một cách ôn hòa và giọng điệu có chừng mực. Điều này khiến ông khác biệt hẳn so với đội ngũ các nhà ngoại giao lớp trẻ có tư tưởng cứng rắn hơn của Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin nhiều khả năng ông Tần Cương, hiện là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề châu Âu, sẽ được bổ nhiệm thay vị trí của ông Thôi Thiên Khải. Ông Tần Cương là một cố vấn tin cậy bên cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thường đi cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc trong nhiều chuyến công du nước ngoài.

Không giống ông Thôi Thiên Khải, ông Tần Cương chưa bao giờ giữ chức vụ đại sứ và cũng không có kinh nghiệm trực tiếp ứng phó các vấn đề liên quan tới Mỹ. Giới quan sát đánh giá việc xây dựng mối quan hệ, sự kết nối ở Washington sẽ là thách thức khó khăn đối với ông Tần Cương.

Trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng căng thẳng, có rất ít cơ hội để đại sứ Trung Quốc mới thể hiện vì tất cả các chính sách và quyết định quan trọng sẽ được đưa ra ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Tần Cương vẫn có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách không làm tổn hại thêm mối quan hệ song phương vốn dĩ đã rạn nứt nhiều trong vòng 4 năm qua.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Trung Quốc thay Đại sứ tại Mỹ
Trung Quốc thay Đại sứ tại Mỹ

Ngày 22/6, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải thông báo ông sẽ thôi giữ chức vụ này sau 8 năm làm việc tại Washington, tuy nhiên không nêu thời gian cụ thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN