Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin sau hội nghị thượng đỉnh ngày 21/5 tại Nhà Trắng cùng người đồng cấp Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố về việc “kết thúc nguyên tắc tên lửa” vốn hạn chế năng lực phát triển tên lửa của Seoul trong nhiều thập niên.
Ông Cheong Seong-chang tại Viện Nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) đánh giá diễn biến này là thành tựu của cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và ông Biden. Tuy nhiên, ông Cheong Seong-chang cũng bày tỏ tiếc nuối rằng hai nhà lãnh đạo chưa thống nhất về những bước đi chắc chắn liên quan đến khôi phục đối thoại với Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae-in miêu tả diễn biến mới này là “bước đi biểu tượng và quan trọng cho thấy sự gắn kết của mối quan hệ đồng minh”. Trước đó, vào đầu năm nay, Mỹ và Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận chia sẻ chi phí liên quan đến 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc trong năm 1979 chấp thuận hạn chế tầm bắn của tên lửa đạn đạo nước này chỉ còn 180km với lượng chất nổ tối đa 500kg, đổi lại Seoul được phép sử dụng công nghệ của Washington.
Trước rủi ro từ mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đã nới lỏng hạn chế về tên lửa 4 lần kể từ năm 2001. Đến năm 2012, hai quốc gia thống nhất nới rộng tầm bắn của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc lên 800km, đặt toàn bộ Triều Tiên nằm trong tầm hoạt động.
Ông Yang Uk tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc nhận định việc gỡ bỏ nguyên tắc tên lửa đồng nghĩa với việc Hàn Quốc được tự do phát triển và sở hữu bất cứ loại tên lửa đạn đạo nào, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo tầm trung với phạm vi hoạt động trong khoảng 1.000km.
Hàn Quốc trong năm 2020 đã tự hào phô trương tên lửa đạn đạo Hyunmoo-4, một trong những vũ khí có đầu đạn nặng nhất thế giới. Tên lửa này có phạm vi hoạt động 800km và đầu đạn lên tới 2 tấn.
Giáo sư Park Won-gon tại Đại học Phụ nữ Ewha nhấn mạnh đến thực tế Bắc Kinh chỉ cách Seoul 950km.
Ông Park Won-gon phân tích: “Việc loại bỏ nguyên tắc tên lửa Hàn Quốc phù hợp với kế hoạch của Mỹ trong việc khuyến khích đồng minh phát triển năng lực tên lửa nhằm thiết lập mạng lưới tên lửa tại vùng châu Á-Thái Bình Dương để đối trọng với Trung Quốc”.
Ông Park Won-gon nhận thấy phản ứng của Trung Quốc về diễn biến mới là không quá mạnh mẽ bởi Bắc Kinh tránh viễn cảnh gây sức ép với Seoul do điều này có thể khiến Hàn Quốc xích lại gần Mỹ hơn bao giờ hết. Trung Quốc từng khiến nhiều người Hàn Quốc bất bình khi áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Seoul năm 2017. Khi đó, Hàn Quốc đã đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Giáo sư Kim Heung-kyu tại Đại học Ajou (Hàn Quốc) cảnh báo việc gỡ bỏ nguyên tắc tên lửa có thể khiến mối quan hệ Bắc Kinh-Seoul có vết hằn. Ông nói: “Chúng ta có thể lún sâu hơn vào căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Đạt được cân bằng là nhiệm vụ khá nặng nề”.
Ông Yang Uk cũng cho biết Hàn Quốc còn phát triển tên lửa đạn đạo di động khó đánh chặn trong năm 2011-2012 và gần đây nước này cũng gặt hái thành công trong phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Những vũ khí này nhiều khả năng sẽ được trang bị cho tàu ngầm lớp Jangbogo-III tải trọng 3.000 tấn.
Tổng thống Moon Jae-in trong tháng 1 cam kết phát triển liên minh truyền thống với Mỹ nhưng ông cũng nhấn mạnh về tính cần thiết của việc hợp tác với các quốc gia láng giềng. Tổng thống Moon Jae-in gọi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Ông cũng nhấn mạnh Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 30 năm thiêt lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022 và cần “xây dựng nền tảng hướng tới phát triển quan hệ với Bắc Kinh”.