Theo hãng tin AFP, trích dẫn một báo cáo tình báo của Mỹ, tạp chí Wall Street hôm 23/5 đưa tin 3 chuyên gia nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện điều trị vào đầu tháng 11/2019. Những người này có "các triệu chứng tương tự bệnh COVID-19 và bệnh cúm mùa thông thường”.
Ngay ngày hôm sau, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã khẳng định thông tin này “hoàn toàn không đúng sự thật”.
Ông nói với phóng viên rằng Viện Virus học Vũ Hán không phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 trước ngày 30/12/2019, đồng thời nhân viên và sinh viên sau đại học của viện cho đến nay không bị lây nhiễm.
Giới chức Trung Quốc cho biết virus SARS-CoV-2 đã được đưa đến phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ lâu luôn bác bỏ giả thuyết virus bị "rò rỉ" từ phòng thí nghiệm này và bùng phát thành đại dịch toàn cầu.
Hồi tháng 3, sau 4 tuần điều tra nguồn gốc dịch COVID-19 ở Vũ Hán, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc cho rằng giả thuyết này “khó có khả năng xảy ra". Các chuyên gia ủng hộ giả thuyết virus SARS-CoV-2 lây truyền từ động vật sang người, có thể vật chủ là loài dơi, thông qua một động vật trung gian khác chưa được xác định.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nhóm nghiên cứu WHO đã không được tạo đủ điều kiện để tự do điều tra ở Vũ Hán nên giải thuyết đó là không tin cậy. Mỹ và nhiều quốc gia khác bày tỏ lo ngại về nghiên cứu nguồn gốc COVID-19 do WHO dẫn đầu, đồng thời kêu gọi điều tra thêm, tiếp cận đầy đủ tất cả dữ liệu thích hợp liên quan đến người, động vật và các dữ liệu khác về giai đoạn đầu bùng phát đại dịch.
Đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019 và sau đó lan nhanh ra toàn cầu. Tính đến ngày 25/5, thế giới đã ghi nhận trên 167 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có ít nhất 3,4 triệu trường hợp tử vong.