Theo kết quả thăm dò của công ty nghiên cứu NielsenIQ, gần một nửa số người Nga đã tìm được các sản phẩm thay thế trong nước cho các sản phẩm nước ngoài không có sẵn do lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra trong năm qua, 47% người Nga đã chuyển hoàn toàn sang các thương hiệu sản xuất trong nước hoặc bắt đầu mua sản phẩm sản xuất nội địa thường xuyên hơn. Khoảng 1/3 người được hỏi trả lời không thay đổi sở thích và tiếp tục mua những nhãn hiệu mà họ đã từng sử dụng trước năm 2022, trong khi 17% chuyển sang các thương hiệu nước ngoài mới.
Đưa ra lý do vì sao chuyển sang sử dụng các hàng hóa trong nước, hơn một nửa trong số cho biết họ làm vậy để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, trong khi 20% cho biết họ không thể tìm được các sản phẩm tương tự nước ngoài với mức giá hợp lý. 10% khác nói rằng họ không thể tìm thấy hàng hóa nước ngoài phù hợp với chất lượng và đặc điểm mà họ đánh giá cao, nhưng lại thấy chúng có trong các sản phẩm của Nga.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhiều hãng lớn của phương Tây đã tuyên bố rút khỏi thị trường Nga, đồng thời tạm dừng đầu tư và nhập khẩu. Theo các nhà kinh tế từ Đại học St. Gallen của Thụy Sĩ, hơn 1.400 công ty đã quyết định rời khỏi Nga trong năm 2022, bao gồm các nhà sản xuất điện tử, nhà bán lẻ, nhà sản xuất ô tô, thương hiệu quần áo và thực phẩm, khách sạn, ngân hàng và chuỗi nhà hàng. Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại rằng xu hướng này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga, nó lại thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước.
Các nhà phân tích cho rằng tình hình hiện tại mang đến cơ hội tăng trưởng tốt cho các nhà sản xuất Nga. Đầu tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sự rời bỏ của các thương hiệu phương Tây đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất trong nước nhận được những cơ hội đặc biệt để phát triển và giờ đây họ phải tận dụng những cơ hội đó. Tổng thống Putin nói thêm các nhà sản xuất trong nước còn có cơ hội chiếm lĩnh những thị trường ngách mà cho đến gần đây vẫn bị thống trị do sự cạnh tranh từ những công ty nước ngoài.
Mối quan tâm duy nhất hiện nay là liệu các nhà sản xuất của Nga có sẵn sàng đáp ứng nhu cầu gia tăng hay không và kêu gọi các công ty đầu tư mở rộng năng lực sản xuất.
“Nếu cơ sở sản xuất không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn thì đầu tư phải phát triển. Tiết kiệm có thể dẫn đến mong muốn đơn giản hóa quy trình và điều này dẫn đến giảm chất lượng”, ông Alexei Popovichev, người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất RusBrand, trả lời phỏng vấn hãng tin RIA.