Tờ Guardian (Anh) cho biết trên toàn thế giới có 50 triệu người mắc chứng mất trí. Chỉ tính riêng tại tại Anh và xứ Wales, đến năm 2040, sẽ có trên 1,2 triệu người mắc chứng mất trí. Hiện nay chưa có biện pháp chữa trị dứt điểm căn bệnh này.
Những yếu tố dẫn đến chứng mất trí bao gồm gen, sắc tộc và lối sống. Giáo sư Gill Livingston tại Đại học London nhận định: “Chứng mất trí có thể ngăn chặn được, bạn có thể làm những việc giảm rủi ro mắc chứng mất trí, bất kể ở giai đoạn nào của cuộc đời”.
Bà Gill Livingston bổ sung rằng thay đổi lối sống có thể giảm khả năng mắc chứng mất trí ở những người có nguy cơ và không có nguy cơ cao về gen.
Nghiên cứu của bà Gill Livingston đăng trên tạp chí Lancet ngày 30/7 nhận định có thể giảm 1/3 số ca mắc chứng mất trí qua việc xử lý 9 yếu tố liên quan đến lối sống bao gồm thừa cân, hút thuốc lá, ít vận động, trầm cảm, ít được tiếp cận giáo dục trong giai đoạn đầu đời.
Bên cạnh đó, dựa trên các bằng chứng mới nhất từ những nước thu nhập cao, có thêm 3 yếu tố liên quan đến lối sống ảnh hưởng tới chứng mất trí bao gồm việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn, bị chấn thương ở đầu và sống trong môi trường ô nhiễm không khí khi về già.
Mặc dù một số yếu tố có thể được cá nhân tự xử lý nhưng yếu tố khác lại cần sự dẫn dắt thay đổi của chính phủ. Nghiên cứu của bà Gill Livingston khuyến khích các nhà lập pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng những hành động nhỏ cũng có thể tạo ra thay đổi. Theo đó, trong 30 năm qua, tỷ lệ mắc mới hàng năm chứng mất trí tại châu Âu và Bắc Mỹ đã giảm 15% mỗi thập niên bởi thay đổi thói quen sống bao gồm giảm hút thuốc lá. Tuy nhiên, số người mắc chứng mất trí vẫn tăng bởi tuổi thọ của con người ngày càng được kéo dài hơn.
Bà Gill Livingston cũng dự đoán rằng đến năm 2050 khoảng 2/5 người mắc chứng mất trí sẽ đến từ những quốc gia có thu nhập thấp. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh: “Trầm cảm có thể là nguy cơ dẫn đến chứng mất trí nhưng sau này chứng mất trí lại có thể dẫn đến trầm cảm”.