Để duy trì hoạt động qua mùa dịch, ngoài việc cắt giảm mạnh nhân viên, những người kinh doanh đồ ăn theo hình thức trên đã phải thay đổi cách thức bán hàng, mở rộng hoạt động ra vùng ngoại ô, nhận đơn đặt hàng trực tuyến và quảng cáo qua mạng xã hội. Jason Tipton, đồng sở hữu thương hiệu đồ ăn "Dirty South Deli", cho biết gần đây anh đã cùng chiếc xe tải màu xanh của mình đến khu dân cư lân cận ở phía Đông Bắc Washington và tận tay giao những chiếc bánh sandwich cho khách hàng đã đặt hàng trước. Anh cũng tìm được khách hàng ở những khu vực ngoại ô gần Đại học Maryland, nơi giáo viên và sinh viên sinh sống. Theo Tipton, anh nhận đơn hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội như Twitter, Facebook, và đảm bảo thu nhập ổn định, không bị thua lỗ.
Trong khi đó, Kadeem Todd và Denville Myrie có hai xe tải bán đồ ăn thương hiệu "JerkatNite". Một chiếc họ đỗ ngay trước cửa nhà hàng của mình nhưng đã đóng cửa vì dịch bệnh, và nhận đơn đặt hàng mang đi thông qua các ứng dụng giao hàng, trong khi chiếc xe còn lại ra ngoài 2 lần mỗi tuần, phục vụ những khách hàng gần trường Đại học Howard và khu chung cư gần Maryland. Tuy nhiên, trước khi triển khai hình thức bán hàng này, Kadeem Todd và Denville Myrie đã phải nghỉ làm 2 tuần. Hiện Kadeem Todd và Denville Myrie đã giảm số nhân viên từ 13 xuống 7 người. Tuy nhiên, nhiều khả năng họ không thể kéo dài hình thức bán hàng này thêm nữa.
Giới chuyên gia cho rằng đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ như trên, việc thích nghi với hoàn cảnh mới là "chìa khóa" để tồn tại. Ông Zack Graybill, Chủ tịch Hiệp hội Cung cấp thực phẩm lưu động đại diện cho khoảng 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, hy vọng cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ sớm qua đi vào tháng Sáu tới, nhưng không quá lạc quan. Theo kết quả cuộc thăm dò, 15% doanh nghiệp không hoạt động, 35% đang tìm cách tự giao đồ ăn hoặc thông qua các ứng dụng và một số lượng lớn đang mở rộng hoạt động đến các khu dân cư.