Thành phố nổi tiếng châu Âu muốn được miễn trừ lệnh trừng phạt Nga

Thành phố The Hague của Hà Lan có kế hoạch xin EU cho miễn trừ thực thi các lệnh trừng phạt để tiếp tục mua khí đốt từ Gazprom.

Chú thích ảnh
The Hague cho biết không tìm được nhà cung cấp thay thế cho Gazprom ở châu Âu. Ảnh: DW

Chính quyền The Hague (La Haye) của Hà Lan tiết lộ họ sẽ yêu cầu EU cho phép thành phố này tạm thời miễn trừ các lệnh trừng phạt chống Nga. Thành phố nổi tiếng là nơi đặt trụ sở của Tòa án Hình sự Quốc tế được cho là muốn tiếp tục mua khí đốt tự nhiên từ tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho đến khi tìm được nhà cung cấp thay thế.

Theo hãng tin Reuters, hội đồng thành phố The Hague đã vạch ra kế hoạch nói trên trong ngày 25/8. Lý do là chính quyền thành phố đã tổ chức đấu thầu trên toàn EU vào tháng 6 và tháng 7 nhưng không tìm được nhà cung cấp khí đốt thay thế cho khí đốt Nga.

Theo các biện pháp trừng phạt của EU, được áp đặt để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, tất cả các chính quyền và cơ quan công quyền trong liên minh phải chấm dứt hợp đồng hiện có của họ với các công ty Nga trước ngày 10/10.

Các nhà chức trách ở The Hague tin tưởng rằng cuối cùng một thỏa thuận với một nhà cung cấp thay thế sẽ được thực hiện, nhưng không phải trước thời hạn tháng 10.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu miễn trừ cho thỏa thuận hiện tại của chúng tôi cho đến ngày 1/1/2023 để đảm bảo sự an toàn của nguồn cung cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán”, Phó Thị trưởng The Hague, Saskia Bruines cho biết.

Bà Bruines bày tỏ sự tin tưởng rằng EU sẽ cho thành phố miễn trừ, vì The Hague đã rất thiện chí cố gắng tìm nguồn thay thế. Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng bất kỳ hợp đồng mới nào cũng sẽ đắt hơn đáng kể so với hợp đồng mà thành phố hiện có với Gazprom.

Ủy ban châu Âu vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

The Hague được cho là đô thị Hà Lan đầu tiên yêu cầu miễn trừ, trong khi còn nhiều thành phố và thị trấn khác ở Hà Lan có hợp đồng với Gazprom.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đạt mức cao kỷ lục ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự chống lại Ukraine. Mặc dù giá đã chững lại kể từ đó, nhưng nhiên liệu hóa thạch vẫn đắt hơn đáng kể so với năm ngoái.

Ngoài ra, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt trong những tháng gần đây với lý do các vấn đề kỹ thuật do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Trong khi đó, các nước châu Âu lại cáo buộc Moskva vũ khí hóa việc xuất khẩu năng lượng.

Hiện nay, những khó khăn do thiếu năng lượng đã khiến nhiều quốc gia châu Âu phải xoay xở tìm đủ biện pháp khắc phục. Italy đã giới hạn nhiệt độ hệ thống điều hòa ở trường học và các tòa nhà công cộng để giảm tiêu thụ năng lượng. Tây Ban Nha và Đức cũng đã triển khai sáng kiến tương tự. Sáng kiến của Đức tập trung vào việc giảm điều hòa nhiệt độ trên các phương tiện giao thông công cộng và khuyến khích sử dụng vòi sen tiết kiệm nước. Một số thành phố đã giảm nhiệt độ nước của các bể bơi và giảm hệ thống chiếu sáng đô thị.

Trong khi đó, Pháp đang quay lại với chiến dịch chống lãng phí năng lượng được triển khai vào những năm 1970 của thế kỷ trước. Các cửa hàng sử dụng máy điều hòa nhiệt độ sẽ luôn phải đóng kín cửa, nếu không sẽ bị phạt tiền.

Hôm 22/8, Chính phủ Bulgaria thông báo sẽ tìm cách đối thoại với hãng Gazprom của Nga để nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt tự nhiên trước khi mùa Đông tới. Hồi cuối tháng 4, Gazprom đã giảm mạnh lượng khí đốt vận chuyển sang Bulgaria sau khi chính phủ tiền nhiệm của nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng khí đốt. Kể từ đó, Bulgaria đã phải chật vật tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Nga dự đoán Ukraine sẽ đàm phán hòa bình vào mùa Đông
Nga dự đoán Ukraine sẽ đàm phán hòa bình vào mùa Đông

Một số nguồn tin cho rằng Moskva đang đặt cược việc thiếu khí đốt vào mùa Đông sẽ tạo cơ hội cho hòa bình ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN