Hàng nghìn người tị nạn và di cư đang tiếp tục vượt biên giới Mỹ từ phía Mexico, đẩy thành phố El Paso thuộc bang Texas đến "điểm đứt gãy” và khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang phải chật vật ngăn chặn dòng người đổ vào.
Theo các quan chức, gần 9.000 người đã vượt biên vào El Paso trong ngày 23/9, đánh dấu một trong những ngày có lượng người vượt biên cao nhất những tháng gần đây.
Thị trưởng El Paso, Oscar Leeser cho biết hơn 2.000 người đang xin tị nạn trong thành phố mỗi ngày, tăng từ mức 350-400 vào sáu tuần trước, gây căng thẳng về nguồn lực và lấp đầy những nơi ở tạm.
Ông Leeser nói rằng, trong 10 ngày qua, thành phố đã làm việc với Lực lượng Biên phòng Mỹ để cung cấp nơi ở tạm cho 6.500 người. “Thành phố El Paso có rất nhiều 'nguồn lực' và chúng tôi hiện đã đến… điểm đứt gãy", ông Leeser nói trong một cuộc họp báo.
Dòng người xin tị nạn vào El Paso, chủ yếu đến từ Venezuela, Honduras và Haiti, là một phần trong làn sóng di cư lớn hơn đã vượt qua các tuyến đường nguy hiểm trên xe buýt và tàu chở hàng đến các thị trấn biên giới Mexico gần các thành phố El Paso và Eagle Pass ở Texas, San Diego ở California. Nhiều người đang tìm kiếm cơ hội mới hoặc chỉ muốn thoát khỏi nạn đói, bạo lực hay bất ổn chính trị ở quê nhà.
Số người xin tị nạn ở Mỹ đã giảm mạnh sau khi chính phủ công bố các hạn chế mới vào tháng 5, nhưng sự gia tăng đáng kể gần đây đã khiến chính quyền Tổng thống Biden một lần nữa phải vào cuộc. Thành phố Eagle Pass đã ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với dòng người đổ vào, trong khi các thị trưởng và thống đốc đảng Dân chủ đang tìm kiếm thêm sự trợ giúp cho việc tiếp nhận người xin tị nạn, còn đảng Cộng hòa thì nắm lấy vấn đề này trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Ông Lesser nói với các phóng viên hôm 23/9 rằng El Paso có kế hoạch mở một nơi trú tạm mới. Cùng ngày, năm chiếc xe buýt đã được thuê để đưa người xin tị nạn đến New York, Chicago và Denver.
Các thống đốc đảng Cộng hòa ở Texas và Florida đã bị chỉ trích vì gửi người di cư đến các thành phố được coi là tự do như New York và Sacramento. Nhưng ông Leeser, một đảng viên Đảng Dân chủ, cho biết tất cả những người di cư trên xe buýt từ El Paso đều tự nguyện đến các thành phố mà họ lựa chọn.
Thị trưởng Leeser nhận xét rằng, Tổng thống Biden là một người bạn tốt [với người nhập cư] nhưng vấn đề là hệ thống nhập cư tổng thể của nước Mỹ đã bị phá vỡ.
Ông cho biết, nhiều người di cư từ Venezuela thiếu phương tiện đi lại đến các điểm đến mong muốn của họ, trong khi nơi tạm trú ở El Paso chỉ có giúp được 400 người và cũng phải sẵn sàng giúp đỡ những người vô gia cư. Ông tiết lộ, khoảng 2/3 số người đến El Paso hiện là đàn ông độc thân. Khoảng 32% là các gia đình và 2 phần trăm là trẻ em không có người đi cùng.
“Tôi nghĩ điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta có một hệ thống nhập cư bị lỗ, khiến vấn đề cứ lặp đi lặp lại", Thị trưởng Leeser nói.
Trước căng thẳng gia tăng ở Texas, chính quyền Tổng thống Biden đã cử 800 quân đến biên giới, bổ sung vào 2.500 thành viên Vệ binh Quốc gia ở đó. Bên cạnh đó, chính quyền cố gắng ngăn chặn dòng người di cư bằng các chương trình đặc biệt để xử lý các yêu cầu xin tị nạn và thị thực ở quê nhà của người di cư, cam kết sẽ trừng phạt những người không tuân theo các quy tắc, bao gồm cả việc trục xuất.
Chính quyền cũng mở rộng địa vị pháp lý tạm thời cho khoảng 472.000 người Venezuela đã đến Mỹ tính đến ngày 31/7, giúp họ làm việc ở nước này dễ dàng hơn.
Hôm 24/9, Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Alejandro Mayorkas đã gặp Tổng thống Honduras Xiomara Castro tại thành phố McAllen ở Texas để thảo luận về chiến lược song phương nhằm hạn chế di cư.
Ông Mayorkas cam kết sẽ trấn áp những người không sử dụng con đường được quy định để vào Mỹ và cho biết sự lãnh đạo của Tổng thống Castro đóng vai trò quan trọng trong việc phá vỡ các mạng lưới buôn lậu.
“Cùng nhau, chúng ta đang bắt giữ và truy tố những kẻ buôn lậu, phá vỡ và triệt phá mạng lưới của chúng cũng như tịch thu tài sản và tiền của chúng”, ông nói trong một bài đăng trên X, tên mới của Twitter.
Trong khi đó, nữ Tổng thống Castro đổ lỗi nạn bạo lực của các tổ chức tội phạm đã khiến người dân rời bỏ đất nước của bà.
Bà nói với Bộ trưởng Mayorkas: “Tôi tin rằng trong lịch sử, chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một cuộc di của của toàn bộ các gia đình, rời bỏ đất nước của mình để tìm kiếm cơ hội do nguy cơ bạo lực”.
Tại thành phố Eagle Pass, nơi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 20/9, chính quyền Mỹ đã dựng hàng rào thép gai để ngăn chặn người vượt biên.
Trong ngày 23/9, nhiều người đã đào hang trong lòng cát bên dưới dây thép, hoặc nhích từng centimet qua hàng rào một cách đau đớn, trước sự chứng kiến của binh lính biên phòng.
Một số người xin tị nạn – trong đó nhiều người đã đi bộ hàng nghìn kilomet, qua Darien Gap từ Colombia đến Panama – nói với hãng AFP rằng hàng rào biên giới không phải là trở ngại với họ.
Dileidys Urdaneta, 17 tuổi, nói: “Vấn đề ở đây chẳng là gì cả. Bởi vì những gì chúng tôi đã trải qua còn tồi tệ hơn nhiều. Và những gì chúng tôi bỏ lại sau lưng, thì đừng có nhắc đến. Không thể có sự so sánh nào".
Urdaneta nói với hãng tin AFP rằng cô đến Eagle Pass chỉ mang theo giấy tờ, điện thoại không có pin và bộ quần áo mặc trên người, gồm quần đùi và áo thể thao. “Bây giờ, chỉ có thể trở nên tốt hơn”, cô tin tưởng.