Tại thành phố Ivanovo-Voznesensk, nay là Ivanovo, giai đoạn Cách mạng Nga lần thứ nhất năm 1905 đã bầu ra cơ quan đại diện cho quyền lực của công nhân - Xô Viết các đại biểu công nhân đầu tiên ở Nga và là tiền thân của các Xô Viết sau này, đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng năm 1917 và trở thành hình thức quyền lực chính của Liên Xô.
Ngay tại trung tâm thành phố, bạn có thể ngắm Đài tưởng niệm Các chiến sĩ Cách mạng 1905 khánh thành ngày 29/5/1975, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Xô Viết đầu tiên. Đài tưởng niệm gồm 2 phần chính. Phần một là cụm điêu khắc “Nâng cờ ” mô tả một công nhân khom lưng nâng lá cờ từ tay người đồng chí lớn tuổi. Phần hai là tượng đài hình chữ nhật, tượng trưng cho ngục tối, từ đó ngọn lửa cách mạng đã bùng lên.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, Ivanovo-Voznesensk là trung tâm dệt may lớn, được ví như "thành phố Manchester" của nước Nga. Ngày 12/5/1905 đã nổ ra cuộc bãi công của hơn 70.000 công nhân 44 xí nghiệp trên toàn thành phố Ivanovo-Voznesensk. Những người Bolshevik đóng vai trò hàng đầu trong việc tổ chức cuộc bãi công và trong tất cả các sự kiện sau đó. Trong cuộc bãi công, công nhân đã đưa ra hàng chục yêu sách đối với chủ xưởng. Về kinh tế họ yêu cầu được làm việc 8 giờ mỗi ngày, tăng lương, được phép nghỉ ốm, có lương hưu, xóa bỏ tiền phạt, cải thiện điều kiện làm việc… Về chính trị, các yêu sách bao gồm tự do ngôn luận, công đoàn, báo chí, đình công…
Tuy nhiên, các chủ xưởng từ chối thương lượng với đám đông và yêu cầu công nhân cử ra đại diện cho từng công xưởng. Tối cùng ngày, tiêu chuẩn về các đại diện được xác lập, mỗi đại biểu đại diện cho 500 công nhân ở các xí nghiệp có hơn 1.000 công nhân trở lên và cuộc bầu chọn diễn ra theo hình thức công khai. Trong ngày 12/5 đã chọn được 50 đại biểu. Ngày 15/5, các cuộc bầu chọn kết thúc, 151 đại biểu được bầu, gồm 25 đại biểu nữ, trong đó 57 người là thành viên Bolshevik. Nhà thơ Avenir Nozdrin được bầu đứng đầu “Xô Viết các đại biểu của công nhân” này.
Trái với ý định của các chủ xưởng, các đại biểu từ chối đàm phán riêng rẽ theo từng nhà máy mà yêu cầu thống nhất đàm phán với Xô Viết hầu như gồm toàn các công nhân tuổi trung bình 23. Xô Viết đã được yêu cầu lãnh đạo cuộc bãi công, đàm phán với chính quyền và các chủ xưởng, đồng thời tổ chức tuyên truyền cho công nhân về chủ nghĩa Marx và tư tưởng cách mạng. Tối 15/5, cuộc họp đầu tiên của Xô Viết được tổ chức tại tòa nhà Hội đồng tiểu thương, nay là Bảo tàng Xô Viết đầu tiên ở Ivanovo. Xô Viết đã lập ra các đội chiến đấu và tòa án.
Ngày nay, đến “Bảo tàng Xô Viết đầu tiên” ở Ivanovo, bạn có thể thăm chính nơi đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của Xô Viết các đại biểu công nhân Ivanovo, xem ảnh và tên các đại biểu cũng như nhiều tư liệu quý về Xô Viết đầu tiên chỉ tồn tại vỏn vẹn 72 ngày này. Công cụ đấu tranh hiệu quả nhất có lẽ là các thiết bị in ấn được trưng bày tại bảo tàng.
Ngày 20/5, lực lượng công an công nhân được thành lập. Ngày 22/5, lực lượng này được giao nhiệm vụ duy trì trật tự trong thành phố và bảo vệ các nhà máy trước những kẻ chống phá bãi công. Chính quyền thời đó đã tìm mọi cách đàn áp phong trào bãi công thông qua các phương thức như đuổi công nhân ra khỏi nhà máy, tăng giá thực phẩm, song Xô Viết đã chống lại bằng cách mở các quầy bán hàng trong nhà máy và cung cấp thực phẩm cho người bãi công. Xô Viết đã lập ra ủy ban lãnh đạo cuộc bãi công, các ủy ban tài chính, thực phẩm và tuyên truyền. Có thể thấy trên thực tế, quyền lực trong thành phố một phần đã nằm trong tay mô hình “Công xã Paris” ở Nga này.
Giới chủ không thỏa mãn mọi yêu cầu của công nhân, nhưng đã nhân nhượng. Ngày làm việc giảm xuống còn 10,5 giờ, tiền lương tăng 10%. Phụ nữ có thai và cho con bú được nhận một số ưu đãi và các ông chủ cam kết sẽ không sa thải người bãi công. Với những điểm nhượng bộ này, ngày 27/6, Xô Viết đã thông qua nghị quyết chấm dứt bãi công từ ngày 1/7.
Tuy nhiên đầu tháng 7, các chủ xưởng trở mặt, khước từ mọi nhượng bộ và tổ chức đóng cửa nhà mày để đàn áp phong trào cách mạng. Bất chấp tình cảnh thiếu thốn tiền bạc, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra và Xô Viết nhóm họp lại. Các chủ xưởng một lần nữa phải nhượng bộ. Ngày 19/7/1905, cuộc họp cuối cùng của Xô Viết Ivanovo-Voznesensky đã diễn ra, tại đó các đại biểu quyết định chấm dứt bãi công vào cùng ngày. Như vậy, cuộc bãi công đã kéo dài tổng cộng 72 ngày.
Lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười Nga Vladimir I. Lenin đã 2 lần viết về các sự kiện ở Ivanovo-Voznesensk. Trong bài báo "Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và sự trói buộc của giai cấp tư sản" (tháng 6/1905), lãnh tụ Lenin đề cập đến "vụ thảm sát tại Ivanovo-Voznesensk" xem đây là "các sự kiện chính trị chính trong tuần". Trong bài báo "Những ngày đẫm máu ở Mátxcơva" (tháng 9/1905), Lenin đã ghi nhận sự trưởng thành chính trị cao của công nhân Ivanovo-Voznesensk cũng như ảnh hưởng từ cuộc bãi công của công nhân dệt may đến sự phát triển của phong trào cách mạng ở vùng công nghiệp miền Trung.
Trong hồi ký, những người tham gia đã đánh giá cao ảnh hưởng của sự kiện thành lập Xô Viết đầu tiên ở Ivanovo đối với cuộc cách mạng của giai cấp công nhân Nga. Một phân tích chỉ ra rằng việc thành lập và hoạt động của Xô Viết là quan trọng vì nhu cầu tự nhiên, sức sống cũng như phù hợp với nhu cầu và lợi ích của người lao động mà hình thức Xô Viết đại diện. Sự kiện này cũng đánh dấu vai trò của giai cấp vô sản Ivanovo-Voznesensk trong việc hình thành và phát triển mô hình Xô Viết.
Phân tích cũng đề cập đến mối liên hệ giữa Xô Viết Ivanovo-Voznesensk và các Xô Viết sau này, cho rằng kinh nghiệm ở Ivanovo "đã được áp dụng trong việc thành lập (Xô Viết) ở St. Petersburg, sau đó là Xô Viết Moskva và các Xô Viết khác”.