Trước đó, hồi tháng 9, Purdue Pharma đã nộp đơn xin phá sản trong một thỏa thuận sơ bộ, trong đó gia đình Sackler sẽ giao lại công ty cho chính quyền. Việc phá sản sẽ giúp các chủ sở hữu công ty được miễn một số trách nhiệm pháp lý, đổi lại họ sẽ đền bù 4,5 tỷ USD cho các nạn nhân trong cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau có chứa opioid.
Trong phán quyết của mình, bà McMahon cho biết tòa phá sản New York, nơi đã phê chuẩn đơn xin phá sản của Purdue Pharma, không có thẩm quyền trao cho gia đình Sackler sự bảo vệ pháp lý khỏi các vụ kiện trong tương lai liên quan đến cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau có chứa opioid.
Có tới 43 bang ở Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch phá sản trên nhưng Bộ Tư pháp và một số ít các bang còn lại phản đối. Họ lập luận rằng công ty phá sản đồng nghĩa với việc bác bỏ các quyền của các nạn nhân khiếu kiện công ty sau này.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland hoan nghênh phán quyết của thẩm phán McMahon. Ông nói: "Tòa phá sản không có thẩm quyền tước đi của các nạn nhân cuộc khủng hoảng opioid quyền khiếu kiện gia đình nhà Sackler".
Tổng chưởng lý bang Connecticut, người đứng đầu bên nguyên đơn chống lại phán quyết về đơn phá sản của Purdue, ông William Tong cho biết: “Đây là một chiến thắng lớn của công lý và kiểm toán, khi đã mở lại vụ phá sản của công ty Purdue và buộc gia đình Sackler phải đối diện với những nỗi đau và sự hủy hoại mà họ đã gây ra".
Cuộc khủng hoảng chất opioid đã khiến trên 500.000 người thiệt mạng tại Mỹ trong 20 năm qua. Tại một phiên tòa hồi năm ngoái, Purdue đã thừa nhận 3 cáo buộc hình sự liên quan đến việc cố ý thúc đẩy bán thuốc OxyContin. Theo thỏa thuận phá sản, công ty sẽ được thanh lý vào năm 2024 và thay thế bằng một thực thể mới, đồng thời bị cấm bán các sản phẩm có chứa opioid.
Purdue Pharma cho biết sẽ kháng cáo phán quyết của thẩm phán McMahon.