Thảm họa môi trường từ tảo đuôi ngựa

Giới chuyên gia Mỹ cảnh báo những đám tảo biển màu nâu nhớp nháp và bốc mùi, "thủ phạm" phá hỏng kỳ nghỉ của du khách tại các vùng biển từ Mexico đến bang Florida (Mỹ), có thể sẽ trở thành một điều "bình thường mới", trừ phi Brazil ngừng các hành động chặt, phá rừng ở Amazon.

Chú thích ảnh
Tảo đuôi ngựa đã biến màu xanh trong của nước biển thành màu nâu đục và có mùi trứng ung. Ảnh: marine.usf.edu

Tảo đuôi ngựa đã biến màu xanh trong của nước biển thành màu nâu đục và có mùi trứng ung khi loài tảo này trôi dạt vào bờ và bắt đầu phân hủy, thối rữa.

Loài tảo này xuất hiện một cách tự nhiên trên các bãi biển ở vùng Caribe và nhiều nơi khác, là một phần của chuỗi thức ăn cho các loài cá, cua và chim. Tuy nhiên, tảo đuôi ngựa đã sinh sôi và phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, bao phủ các bờ biển với những lớp dày và buộc nhà chức trách phải tiến hành các chiến dịch dọn dẹp để giữ chân khách du lịch.

Ở quần đảo British Virgin, các lớp tảo đuôi ngựa dày tới 2 mét. Trong khi đó, ở bãi biển Punta Cana nổi tiếng với màu nước trong xanh ở CH Dominica, nước biển đã chuyển sang màu nâu. Barbados gần đây cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, trong khi Chính phủ Mexico yêu cầu hải quân hỗ trợ khôi phục vẻ đẹp của bãi biển hút khách Cancun. 

Chuyên gia môi trường thuộc Đại học Quốc tế Florida, Steve Leatherman cho rằng tình trạng nóng lên toàn cầu, tác động tới nhiệt độ nước ở các đại dương, là một trong những nguyên nhân khiến tảo đuôi ngựa phát triển mạnh, song nguyên nhân lớn hơn cả bắt nguồn từ sông Amazon.

Theo chuyên gia này, từ năm 2011, nhiều vùng đất đỏ và cằn cỗi dọc sông Amazon đã được sử dụng để canh tác. Người nông dân đã sử dụng rất nhiều phân bón mà sau đó theo mưa trôi xuống sông Amazon, chảy ra Đại Tây Dương và trở thành một nguồn nuôi dưỡng tảo đuôi ngựa.  

Ông Leatherman cho biết tảo đuôi ngựa không chỉ là mối phiền toái đối với du khách mà còn là một thảm họa môi trường và kinh tế. Sự xuất hiện dày đặc của loài tảo này gây ra nhiều tác động nghiêm trọng như các thuyền đánh cá khó nổ máy do tảo mắc vào động cơ, rùa không thể tìm nơi để đẻ trứng và khi trứng đã nở thì rùa con cũng không thể tìm đường ra biển. Ngoài ra, các đám tảo khi chết sẽ chìm xuống biển và vương đầy trên các rạn san hô. 

Nghiên cứu của Đại học Nam Florida công bố hồi tháng 7 vừa qua kết luận rằng vấn nạn tảo đuôi ngựa sẽ không dễ gì giải quyết. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy tảo đuôi ngựa đã mọc dày đặc ở cửa sông Amazon, từ đó lan ra Đại Tây Dương, từ Caribe và Vịnh Mexico tới châu Phi. Các nhà khoa học gọi đây là Vành đai Tảo đuôi ngựa Đại Tây Dương (GASB). Trong năm 2015 và 2018, vành đai này trải dài gần 9.000 km. Đến tháng 6/2018, khối lượng tảo đuôi ngựa đã vượt quá 20 triệu tấn.

Nghiên cứu này cho rằng sự bùng nổ của tảo đuôi ngựa là do việc phá rừng và sử dụng phân bón trong nông nghiệp ở Amazon, bên cạnh các dưỡng chất tự nhiên dọc bờ biển châu Phi.

Thùy An (TTXVN)
'Vịnh san hô rác thải nhựa' dưới biển Aegean của Hy Lạp
'Vịnh san hô rác thải nhựa' dưới biển Aegean của Hy Lạp

"Giống như những dải san hô nhiều màu sắc ở Caribbe, chúng cũng đu đưa theo làn nước dưới lòng đại dương".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN