Ngày 23/1, bà Rachada Dhnadirek, phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan, cho biết Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan đã có kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ 4 cho 2,5 triệu người, bao gồm cả người dân Thái Lan và người nước ngoài, tại 10 tỉnh, trong đó có 4 tỉnh phụ thuộc vào du lịch (Phuket, Surat Thani, Krabi và Phangnga) và 6 tỉnh khác là các điểm du lịch hoặc có tỷ lệ lây nhiễm tương đối cao (Bangkok, Chonburi, Samut Prakan, Nonthaburi, Kanchanaburi và Pathum Thani).
Bộ trên cho biết loại vaccine sẽ sử dụng cho mũi thứ 4 là vaccine của hãng AstraZeneca và Pfizer/BioNTech và áp dụng đối với những người đã tiêm mũi vaccine thứ 3 ít nhất 3 tháng. Trước đó, cơ quan trên chỉ có kế hoạch tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 này cho các nhân viên y tế và sức khỏe cộng đồng cũng như những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương.
Thái Lan nằm trong số ít các quốc gia bao gồm Chile và Israel đang triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4. Đến nay, nước này đã tiêm hơn 800.000 mũi vaccine thứ 4, hầu hết cho các nhân viên y tế và những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Các quan chức Thái Lan cho biết việc triển khai kế hoạch trên sẽ hỗ trợ nỗ lực đảm bảo an toàn cho các cộng đồng địa phương và mở cửa trở lại ngành du lịch của nước này.
Từ ngày 1/2 tới, Thái Lan nối lại chương trình du lịch “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường) vốn đã thu hút khoảng 350.000 lượt du khách trong 2 tháng vừa qua trước khi bị tạm dừng do lo ngại nguy cơ lây lan mạnh biến thể Omicron.
Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận 7.139 ca mắc mới COVID-19 và 13 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2.384.639 ca và 22.045 trường hợp không qua khỏi tính từ đầu đại dịch. Đến nay, khoảng 17% trong tổng số gần 70 triệu người dân Thái Lan đã tiêm 3 mũi vaccine, trong khi đó 69% đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cơ bản.
Trong khi đó, tại Đức, trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo người dân không nên có suy nghĩ rằng virus SARS-CoV-2 sẽ tự biến mất, thay vào đó chỉ tiêm chủng mới có thể kiểm soát được dịch bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, nhà lãnh đạo Đức hy vọng tình hình sẽ được cải thiện vào mùa Xuân và mùa Hè tới, đồng thời nhấn mạnh nếu không áp dụng tiêm chủng bắt buộc, nước này khó có thể đạt được tỷ lệ tiêm vaccine cần thiết để giúp thoát khỏi đại dịch.
Theo kế hoạch, Hạ viện Đức sẽ thảo luận về quy định tiêm chủng bắt buộc vào ngày 26/1 tới. Theo kết quả khảo sát của YouGov, đến nay, 60% người dân Đức ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc.
Hiện có hơn 75% dân số Đức đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, Chính phủ Thủ tướng Scholz mong muốn tỷ lệ này lên mức 90%.
Thống kê mới nhất cho thấy trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 85.440 ca nhiễm mới, với tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong 7 ngày qua lên tới 806,8 ca/100.000 dân.