Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chính phủ Thái Lan ngày 22/7 tuyên bố thông tin trên trong bối cảnh chỉ còn 15 ngày nữa là tổ chức trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới. Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwon cho biết Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) sẽ cho phép tổ chức các cuộc tranh luận do chính quyền cấp tỉnh và Ủy ban Bầu cử (EC) chủ trì tại 76 tỉnh thành.
Trước đó, EC thông báo sẽ tổ chức tranh luận trên truyền hình giữa các lực lượng chính trị và đại diện chính phủ về dự thảo hiến pháp mới. Tuyên bố của EC được đưa ra sau khi đại sứ 22 nước và Trưởng phái bộ Liên minh châu Âu (EU) cùng ký vào một thư ngỏ kêu gọi Chính phủ Thái Lan “cởi mở hơn với các quan điểm về dự thảo hiến pháp mới”.
Tuyên bố mới của Chính phủ Thái Lan được đưa ra sau sự kiện một mạng lưới dân sự xã hội gồm 117 nhân vật tiếng tăm, trong đó có cả các nhân vật của hai đảng chính là Dân chủ và Pheu Thai và 16 tổ chức chính trị xã hội, ngày 20/7 ra tuyên bố chung đòi chính quyền quân sự phải cho phép các bên liên quan được phép tiến hành thảo luận về các dự thảo hiến pháp cũng như phải có không gian công cộng để tổ chức các cuộc tranh luận này. Mạng lưới xã hội dân sự này cũng kêu gọi chính quyền quân sự đưa ra phương án dự phòng nếu dự thảo hiến pháp mới bị người dân bác bỏ.
Về yêu cầu này, Đại tướng Prawit nói rằng nếu dự thảo bị bác bỏ, hiến pháp lâm thời năm 2014 sẽ được điều chỉnh và NCPO sẽ quyết định liệu có thành lập một ủy ban dự thảo hiến pháp mới hay không. Ông cũng khẳng định tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào năm 2017 như dự kiến.
Theo EC, cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình do cơ quan này tổ chức sẽ được ghi hình ngày 22/7 và sẽ được được phát sóng hàng ngày trong khoảng thời gian từ 13-14h, từ ngày 25/7 - 5/8 trên kênh truyền hình ThaiPBS TV. Đây sẽ là các chương trình được ghi hình trước chứ không phải là truyền hình trực tiếp. Tham dự cuộc tranh luận đầu tiên này sẽ là lãnh đạo đảng Pheu Thai Chaturon Chaiseng, đại biểu Hội đồng chỉ đạo cải cách quốc gia (NRSA) Kamnoon Sidhisamarn và học giả Gothom Arya. Đại diện các tổ chức chính trị xã hội khác như Đối thoại Cải cách pháp luật (iLaw) và Phong trào Dân chủ mới (NDM) của lực lượng sinh viên chống đảo chính cũng nhận lời mời tham gia tranh luận.