Động thái trên được đưa ra sau khi Nội các Thái Lan thông qua đề xuất đưa khẩu trang và dung dịch rửa tay có cồn vào danh sách kiểm soát giá nhằm đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra. Truyền thông sở tại dẫn lời Cục trưởng Cục Nội thương Thái Lan Whichai Phochanakij cho biết nhà chức trách đã yêu cầu những nhà sản xuất khẩu trang trong nước phân bổ khẩu trang cho một trung tâm do cục thành lập. Những khẩu trang này sau đó sẽ được phân phối tới người dân với giá phải chăng thông qua 120.000 cửa hàng thuộc hệ thống các cửa hàng bán lẻ bình ổn giá Thong Fah (Cờ xanh) của chính phủ.
Theo Cục trưởng Whichai, mặc dù chính phủ đã đưa khẩu trang và nước rửa tay có cồn vào danh sách kiểm soát giá, Cục Nội thương vẫn nhận được hơn 1.000 khiếu nại qua đường dây nóng, đặc biệt là về giá cao và việc khan hiếm khẩu trang. Cục hy vọng yêu cầu mới nhất đối với các nhà sản xuất này sẽ giúp giảm nhẹ những khó khăn.
Khi được đưa vào danh sách kiểm soát giá, các nhà sản xuất, phân phối, xuất khẩu và nhập khẩu phải thông báo với Cục Nội thương về giá thành sản xuất, giá bán, năng lực sản xuất, khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu, hàng tồn kho và nhãn giá. Những doanh nghiệp muốn xuất khẩu hơn 500 sản phẩm phải được phép của cục. Những biện pháp tương tự cũng được áp dụng đối với dung dịch rửa tay, nhưng không hạn chế đối với khối lượng xuất khẩu vì loại sản phẩm này vẫn còn đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Nhà chức trách có thể hạn chế số lượng khẩu trang bán cho mỗi người là 10 chiếc một lần mua. Những biện pháp nói trên chỉ là tạm thời và sẽ có hiệu lực cho đến khi hết dịch viêm đường hô hấp cấp do virus 2019-nCoV.
Theo Luật Giá hàng hóa và dịch vụ năm 1999 của Thái Lan, khi một mặt hàng được đưa vào danh sách kiểm soát giá, những ai bị phát hiện tích trữ hoặc tăng giá có thể sẽ bị phạt tù không quá 7 năm hoặc bị phạt tới 140.000 baht (khoảng 4.500 USD), hoặc cả hai. Những ai không tuân thủ sẽ phải đối mặt với hình phạt 5 năm tù hoặc bị phạt không quá 100.000 baht, hoặc cả hai
Nhà chức trách Thái Lan cho rằng việc đưa hai loại sản phẩm nói trên vào danh sách kiểm soát giá là cần thiết vì nhu cầu đối với khẩu trang đã tăng từ 30 triệu chiếc lên 40-50 triệu chiếc/tháng sau khi bùng phát dịch. Ông Whichai thừa nhận xảy ra tình trạng thiếu khẩu trang tại một số vùng nhất định sau khi các nhà sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu do nhu cầu tăng cao. Thái Lan xuất khẩu 226 triệu khẩu trang trong năm 2019, tăng 218% so với lượng xuất khẩu 71 triệu chiếc năm 2018.
Với 25 bệnh nhân, trong đó 9 người đã khỏi bệnh và xuất viện, 16 bệnh nhân vẫn đang nằm viện, Thái Lan là nước ghi nhận số người nhiễm virus 2019-nCoV nhiều nhất ngoài Trung Quốc.