Ngày 28/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Sek Wannamethee cho biết chính phủ nước này cam kết kiềm chế tối đa trong việc ứng phó với làn sóng biểu tình đường phố đang lan rộng.Cảnh sát chống bạo động Thái Lan gác bên ngoài Tòa án Hiến pháp ở Bangkok ngày 20/11. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo ông Sek Wannamethee, tất cả quan chức chính quyền đã được chỉ đạo phải kiềm chế tối đa trong việc ngăn chặn các cuộc biểu tình quá khích. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan sẵn sàng cung cấp tất cả sự hỗ trợ cần thiết cho các cơ quan nhà nước bị đình trệ hoạt động vì biểu tình, đồng thời hối thúc các cơ quan này tiếp tục thực hiện chức trách của mình.
Cơ quan Quản lý an ninh trật tự (CAPO) trực thuộc lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan trong một tuyên bố mới đây đã khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, song sẽ hạn chế đến mức thấp nhất và tránh sử dụng vũ lực. Cơ quan này cũng cho biết tất cả những người đột nhập và phá hủy trụ sở các cơ quan nhà nước sẽ bị bắt giữ và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong một tuyên bố được phát trên truyền hình vài giờ sau khi giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện hôm 28/11, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra kêu gọi người biểu tình chấm dứt tụ tập và tuyên bố chính phủ sẵn sàng đối thoại nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay mà theo bà Yingluck là đang "kéo lùi nền kinh tế lẫn đất nước".
Cộng đồng quốc tế, trong đó có cả tổ chức lớn như Liên hợp quốc và nhiều cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Anh... đã ra tuyên bố chính thức bày tỏ quan ngại về tình hình chính trị ở Thái Lan. Tất cả đều kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực và tìm kiếm các giải pháp hòa bình. Bên cạnh đó, tổng cộng 30 quốc gia và 2 vùng lãnh thổ đã khuyến cáo công dân tránh các địa điểm biểu tình khi đến Thái Lan.
TTXVN/Tin tức