Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, đây là lần thứ 5, Thái Lan gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp kể từ khi ban hành hồi tháng 3 vừa qua.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho rằng quyết định của nội các phù hợp với đề xuất của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) nhằm cho phép nước này nhanh chóng hành động trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng.
Trước đó, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) cũng đã đồng ý với việc gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và nhấn mạnh rằng sắc lệnh này sẽ không được sử dụng để chống lại các cuộc biểu tình chính trị.
Về tình hình dịch bệnh, Thái Lan ngày 25/8 ghi nhận thêm 5 ca mắc mới, nhưng đều là những công dân hồi hương và đã được cách ly. Đến nay, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.402 ca bệnh (465 ca được phát hiện trong khu cách ly), trong đó có 58 bệnh nhân tử vong.
Cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Sathit Pitutecha cho biết Thái Lan sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ baht (31,7 triệu USD) cho công tác bào chế vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19. Theo Thứ trưởng Pitutecha, Nội các Thái Lan đã thông qua khoản đầu tư trên cho dự án phát triển vaccine chung giữa Chính phủ Thái Lan và Đại học Oxford, và một dự án tương tự giữa Chính phủ Thái Lan với Đại học Chulalongkorn của nước này.
Thái Lan hy vọng sẽ có được vaccine phòng bệnh COVID-19 vào cuối năm nay hoặc giữa năm sau.
* Cơ quan Công tố Tối cao Hàn Quốc (KSP) ngày 24/8 cho biết đã tiến hành các thủ tục khởi tố 354 vụ việc có liên quan đến đại dịch COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn tin từ KSP cho biết các vụ việc bị khởi tố liên quan chủ yếu đến hành vi vi phạm Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm (300 vụ), bao gồm vi phạm lệnh hạn chế tụ tập đông người, từ chối điều tra dịch tễ học, vi phạm quy định cách ly... Ngoài ra, có 87 trường hợp liên quan đến hành động phát tán hoặc khai báo thông tin sai sự thật về dịch bệnh, trong đó 38 vụ đã bị khởi tố.
KSP cũng hoàn tất hồ sơ truy tố 16 trường hợp cán bộ công chức Hàn Quốc làm lộ bí mật liên quan đến dịch bệnh hoặc làm rò rỉ thông tin cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Đội điều tra an ninh mạng thuộc Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (NPA) cũng đang điều tra các đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội (như Youtube) về việc có sự khác biệt trong kết quả xét nghiệm giữa các trung tâm y tế và bệnh viện.
Tính đến thời điểm hiện tại, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ 202 người vì nghi ngờ liên quan đến hoạt động lan truyền thông tin sai lệch hoặc làm rò rỉ thông tin cá nhân liên quan đến đại dịch COVID-19.