COVID-19 hết 23/8 tại ASEAN: Philippines gần 3.000 ca tử vong, Thái Lan tính đeo vòng định vị khách quốc tế

Tính tới hết ngày 23/8, số ca mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 414.059 ca, trong đó 9.924 người đã tử vong. Số ca tử vong tại Philippines đã lên tới gần 3.000 người.

Chú thích ảnh
Người lái xe ba bánh tại Quezon, Philippines đeo khẩu trang phòng dịch, ngày 16/8/2020. Ảnh: The Star 

Trong ngày 23/8, các  nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 4.475 ca mắc COVID-19 tại 7 quốc gia và 119 ca tử vong tại hai quốc gia, gồm Philippines (32 ca) và Indonesia (86 ca).

Sau 5 ngày liên tiếp ghi nhận ca nhiễm mới ở mức trên 4.000 ca, ngày 23/8, Philippines chứng kiến số ca nhiễm mới giảm mạnh xuống 2.352 ca, trong khi tổng ca tử vong ở nước này đã lên tới gần 3.000 người.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 23/8/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  
Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang trên xe bus ở thành phố Quezon, Philippines ngày 19/8/2020. Ảnh: Philstar

Philippines: Tổng cộng gần 3.000 người tử vong

Bộ Y tế Philippines ngày 23/8 xác nhận 2.378 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày có số ca mới thấp nhất trong gần 4 tuần qua. Tuy nhiên với tổng cộng gần 190.000 ca nhiễm, Philippines vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này tăng thêm 32 ca lên tổng số 2.998 ca. 

Tuần trước, Tổng thống Philippines E. Duterte đã ra lệnh nới lỏng lệnh phong toả phòng dịch ở khu vực vùng Thủ đô Manila trong bối cảnh chính phủ của ông cam kết một cách tiếp cận mới trong chống dịch COVID-19, bao gồm tăng cường xét nghiệm. Ông Duterte cũng nhấn mạnh cần thiết phải mở cửa lại nền kinh tế để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vật lộn để tồn tại.

Trước đại dịch, Philippines là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, nhưng đã rơi vào thời kỳ suy thoái đầu tiên trong vòng 29 năm qua, với mức giảm kỷ lục trong quý 2/2020 do các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang và tấm chắn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 khi mua sắm tại một khu chợ ở Manila, Philippines ngày 16/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan: Du khách quốc tế có thể phải đeo vòng định vị GPS

Thái Lan đang thận trọng xem xét các kế hoạch tái mở cửa các đường biên giới trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, với các du khách quốc tế chiếm khoảng 2/3 doanh thu.

"Virus sẽ không sớm biến mất và chúng ta phải nghĩ về kinh tế. Nhưng chúng ta không thể cứ thế mở cửa lại biên giới. Ta phải thận trọng", tờ Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Saksayam Chidchob trả lời phỏng vấn. 

Chú thích ảnh
15 nhà ngoại giao Mỹ cùng gia đình và 3 công dân Thái Lan về nước đang chờ đưa tới khu cách ly sau khi nhập cảnh tại sân bay ở Bangkok ngày 23/8. Ảnh: Straits Times

Theo Bộ trưởng Saksayam, Thái Lan có thể cho phép những du khách quốc tế đầu tiên quay trở lại nước này từ đầu tháng 10/2020. Du khách từ những quốc gia có số ca nhiễm hạn chế có thể sẽ được yêu cầu đeo vòng tay định vị GPS cũng như cần cách ly tại khách sạn trong 14 ngày đầu tiên.

Thái Lan đã đóng cửa biên giới từ cuối tháng 3/2020. Trong khi chưa mở cửa lại biên giới, chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy du lịch nội địa với chiến dịch giảm giá khách sạn lên tới 40%. Bộ Tài chính nước này dự đoán GDP của Thái Lan sẽ suy giảm 8,5% trong năm nay, mức giảm cao kỷ lục trong lịch sử.

Mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, Thái Lan đã kiểm soát được sự lây lan của virus, không có ca lây nhiễm cộng đồng nào trong gần 3 tháng qua. Đến nay nước này ghi nhận 3.395 ca nhiễm và 58 ca tử vong.

Tại Indonesia, số liệu từ Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 nước này cho thấy đã ghi nhận thêm 2.037 ca mới, nâng tổng số ca lên 153.535 ca. Ngoài ra, Indonesia cũng thông báo có thêm 86 ca tử vong, nâng tổng số lên 6.680 ca, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Malaysia thông báo thêm 10 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 9.267 ca. Trong số các ca mới nhiễm có 8 ca là nhập cảnh và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng có thêm 10 ca bình phục và xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 8.959 ca, chiếm 96,7% số ca nhiễm.

Myanmar: Ổ dịch địa phương dấy lo ngại về các trại tị nạn

Tờ Straits Times cho biết cộng đồng người tị nạn Rohingya ở bang Rakhine, Myanmar đang lo ngại sau khi ngày 23/8 nước này phát hiện một ổ dịch COVID-19 gần các trại tị nạn đông đúc. Trước đó, một loạt ca lây nhiễm đã khiến thành phố Sittwe - thủ phủ bang Rakhine phải áp đặt lệnh phong toả. Trong tuần qua, thành phố Sittwe ghi nhận 48 ca lây nhiễm, chiếm hơn 10% trong tổng số 450 ca bệnh cho tới nay tại Myanmar.

Chú thích ảnh
Có gần 130.000 người Hồi giáo Rohingya sống quanh Sittwe, Myanmar. Ảnh: EPA-EFE

Có gần 130.000 người Hồi giáo Rohingya sống trong các trại tị nạn quanh Sittwe. Từ ngày 21/8, lệnh giới nghiêm ban đêm đã được áp đặt tại thành phố, trong khi toàn bộ hoạt động giao thông công cộng, bao gồm cả các chuyến bay nội địa, vào Sittwe đã bị ngừng.

Tại Singapore, giới chức nước này ngày 23/8 ghi nhận 87 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 lên 56.353 người. Trước đó một chùm lây nhiễm mới lại được phát hiện tại khu ký túc xá công nhân lớn nhất Singapore, khoảng 1 tháng sau khi nơi đây được công bố là "sạch" virus SARS-CoV-2. 

Hiện Singapore có khoảng 13.700 lao động nhập cư vẫn đang trong thời gian cách ly. 

“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”

Link tải về ứng dụng Bluezone: trên Android; trên iOS
Xem hướng dẫn cài Bluezone tại đây
Thu Hằng/Báo Tin tức
Trung Quốc đã tiêm vaccine COVID-19 cho một số nhóm lao động từ tháng 7
Trung Quốc đã tiêm vaccine COVID-19 cho một số nhóm lao động từ tháng 7

Trung Quốc đã tiêm một số loại vaccine phòng COVID-19 ở giai đoạn thử nghiệm cho nhóm lao động đặc thù được lựa chọn bao gồm nhân viên y tế và lực lượng biên phòng, từ tháng 7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN