COVID-19 hết 20/8 tại ASEAN: Singapore dập xong ổ dịch lao động nhập cư; Thái Lan phủ nhận làn sóng thứ 2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 20/8, số người mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 395.827, trong đó 9.545 người tử vong. Singapore đã xử lý thành công ổ dịch ở khu nhà của người lao động nhập cư.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một chợ ở Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 20/8, ASEAN ghi nhận 6.701 ca mắc tại bảy quốc gia và 160 ca tử vong tại hai quốc gia. 

Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua vẫn là Philippines với 4.351 ca. Trong mấy ngày qua, Philippines liên tục ghi nhận trên 4.000 ca mắc mỗi ngày.

Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới trong ngày 20/8 là Indonesia với 2.266 ca. Tiếp đó là Singapore với 68 ca. Trong những ngày qua, số ca mắc ở Singapore đã giảm dần.

Hai quốc gia có ca tử vong trong ngày 20/8 là Philippines (88 ca) và Indonesia (72 ca).

Singapore dập thành công ổ dịch tại nhà trọ lao động nhập cư

Chú thích ảnh
Người lao động được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi trở lại làm việc tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Singapore tuyên bố tất cả các khu ký túc dành cho người lao động nước ngoài tại nước này, trong đó tính cả các cơ sở cách ly được thiết lập riêng trong các khu này, không còn bệnh nhân COVID-19. 

Khoảng 330.000 (86%) lao động nước ngoài trong các lĩnh vực xây dựng, hàng hải và chế biến ở Singapore đã được trở lại làm việc – tăng so với 81% vào tuần trước. Tất cả những người trong các cơ sở cách ly này đã hoàn thành thời hạn cách ly hoặc được chuyển sang các cơ sở cách ly khác của chính phủ tùy theo tình trạng sức khỏe. 

Chú thích ảnh
Người lao động được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi trở lại làm việc tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore cũng đã thực hiện một chiến lược đa tầng để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai tại các khu lao động nước ngoài. Chiến lược này bao gồm tập hợp các lao động nước ngoài vào các khu ký túc theo loại hình ngành nghề của người lao động và thực hiện các biện pháp giãn cách an toàn. Khi một ca nhiễm mới được phát hiện, những nỗ lực truy vết tiếp xúc bắt đầu được thực hiện. Các cơ quan sẽ làm việc chặt chẽ với chủ sử dụng lao động để đánh giá nguy cơ tại nơi làm việc và đưa ra thời gian tạm nghỉ an toàn nếu cần thiết. 

Khi những người có tiếp xúc gần trực tiếp với các lao động nhập cư có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 được xác định, họ sẽ được cách ly 14 ngày tại cơ sở cách ly riêng biệt. Những trường hợp tiếp xúc gần khác sẽ được cách ly tại các khu ký tục của họ và được xét nghiệm thường xuyên nhằm đảm bảo họ không nhiễm virus trước khi được phép quay trở lại làm việc.

Thái Lan phủ nhận đợt dịch thứ hai

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức Thái Lan đã phủ nhận về việc nước này có thể sớm hứng chịu đợt dịch COVID-19 thứ hai sau khi phát hiện hai trường hợp có kháng thể COVID-19, dù đã trải qua thời gian cách ly 14 ngày.

Đây là lần đầu tiên sau gần 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Thái Lan phát hiện trường hợp COVID-19 mới dù đã cách ly đủ 14 ngày. Hai trường hợp bệnh nhân mới phát hiện tại Thái Lan đều trở về từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ tháng 6 và cách ly bắt buộc ngay sau khi nhập cảnh. Sau khi hết thời gian cách ly, cả 2 bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính và có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, sau khi về nhà, qua gần 2 tháng, họ xét nghiệm lại để lấy hồ sơ đi nước ngoài để làm việc thì được phát hiện ra là có kháng thể COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Thái Lan cho biết cả 2 bệnh nhân mới được phát hiện này đều đã được nhập viện và khả năng họ có thể lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ra cộng đồng là rất thấp. Tuy nhiên, những người tiếp xúc gần với hai người này sẽ được xét nghiệm. Theo các nghiên cứu thì virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong cơ thể từ 2 tới 3 tháng sau khi bệnh nhân bị mắc bệnh. Giới chức y tế Thái Lan cũng khẳng định đây không phải là đợt dịch COVID-19 thứ hai tại nước này.

Thông tin về hai ca bệnh mới trong cộng đồng tại Thái Lan trong ngày 19/8 đã khiến thị trường chứng khoán nước này giảm 1%. Trong khi đó, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan cho biết đã đề xuất tiếp tục gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới hết tháng 9 và tiếp tục thực hiện cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh vào Thái Lan.

Nhiều người Indonesia bi quan về khả năng kiểm soát dịch bệnh

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Indonesia, nhiều người được hỏi tỏ ra bi quan về cuộc chiến chống COVID-19. Viện khảo sát các chỉ số chính trị cùng ngày công bố có tới hơn 54% số người được hỏi cho rằng sự lây lan của dịch COVID-19 ở Indonesia là khó có thể kiểm soát. Tuy nhiên, sự tin tưởng vào Tổng thống Joko Widodo tương đối cao.

Giám đốc Điều hành các chỉ số chính trị Burhanuddin Muhtadi ngày 20/8 cho biết 54,9% người được hỏi trả lời rằng ít khả năng kiểm soát được sự lây lan của COVID-19 tại Indonesia. 9,5% trả lời hoàn toàn không được kiểm soát. Chỉ có 35,5% trả lời khả năng được kiểm soát.

Cuộc khảo sát được thực hiện ở 304 người là những nhà lãnh đạo cũng như nhân vật có uy tín trong dư luận ở 20 tỉnh, thành phố vào tháng 7/2020. Họ bao gồm những người làm trong lĩnh vực truyền thông, các viện sĩ, cựu quan chức nhà nước, các nhân viên y tế, các doanh nhân, các nhà nghiên cứu văn hóa và những nhà thuyết giáo. Việc lựa chọn người khảo sát không thực hiện ngẫu nhiên. 

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Denpasar, trên đảo Bali, Indonesia ngày 14/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, đa số người được khảo sát nói rằng vẫn tin tưởng vào sự chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo trong việc xử lý dịch bệnh. Có 42,8% tin tưởng, 14,8% thực sự tin và 23,4% bình thường. Chỉ có 16,8% không tin và 2% không tin lắm.

Do dịch COVID-19,  Chính phủ Indonesia đã phải tạm hoãn việc thực hiện dự án di dời thủ đô đến đảo Borneo. Đây là dự án trị giá 33 tỷ USD đầy tham vọng của Tổng thống Joko Widodo trong nhiệm kỳ thứ hai.

Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa cho biết chính phủ đang đặt ưu tiên số một là phục hồi nền kinh tế và vượt qua đại dịch. Khi tình hình được cải thiện, chính phủ mới xúc tiến triển khai dự án thủ đô. Ông cũng thừa nhận những trở ngại đối với dự án, việc khởi công có thể bị trì hoãn cho đến năm 2022 hoặc năm 2023, vì chính phủ đang tập trung nỗ lực vào việc nghiên cứu và sau đó phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho gần 270 triệu người dân Indonesia.   

Thùy Dương/Báo Tin tức
WHO đề cao khả năng ứng phó của châu Âu trong phòng chống dịch COVID-19
WHO đề cao khả năng ứng phó của châu Âu trong phòng chống dịch COVID-19

Ngày 20/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết châu Âu có thể phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà không cần phải tiến hành phong tỏa toàn diện do chính phủ các nước trong thời gian gần đây có sự chuẩn bị ứng phó tốt hơn, cũng như kiến thức về biện pháp phòng chống dịch. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN