Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, một ngày trước đó, Công báo Hoàng gia cho biết nghị định cho phép Chính phủ vay thêm 500 tỷ baht (khoảng 16 tỷ USD) để giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội gây ra do đại dịch COVID-19 đã được Nhà vua Thái Lan ký thông qua ngày 20/5.
Nghị định này, có hiệu lực từ ngày 25/5, cho phép Chính phủ Thái Lan phát hành trái phiếu hoặc vay bằng đồng baht hay ngoại tệ với tổng số tiền không vượt quá 500 tỷ baht, thay vì 700 tỷ baht theo dự kiến trước đó của Chính phủ. Các khoản vay này nhằm hỗ trợ hoặc bồi thường cho những người thuộc mọi ngành nghề bị ảnh hưởng bởi làn sóng đại dịch COVID-19 thứ ba.
Truyền thông sở tại cho biết 60% số tiền vay mới, tương đương 300 tỷ baht, sẽ được sử dụng để hỗ trợ hoặc bồi thường cho người dân và người điều hành doanh nghiệp bị ảnh hưởng. 170 tỷ baht (34%) dành cho các kế hoạch hoặc dự án nhằm tạo điều kiện cho các nhà điều hành kinh doanh giữ chân nhân viên và kích thích đầu tư và tiêu dùng. 30 tỷ baht (6%) còn lại sẽ được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 như mua thiết bị y tế và vaccine, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ở địa phương và cải thiện các cơ sở y tế cho bệnh nhân COVID-19.
Đây là lần thứ hai Chính phủ Thái Lan được phép vay tiền để đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19. Năm ngoái, Chính phủ Thái Lan đã vay 1.000 tỷ baht để giảm bớt những tác động do làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Làn sóng COVID-19 thứ ba từ đầu tháng 4 khiến số ca mắc mới gia tăng đã buộc Chính phủ Thái Lan phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế, làm gia tăng lo ngại động thái đó sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế của đất nước. Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) cho biết kinh tế Thái Lan trong quý I/2021 đã giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm xuống 1,5-2,5% so với ước tính tăng trưởng 2,5-3,5% trước đó.
Số liệu này được đưa ra sau khi Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) hồi đầu tháng 5/2021 cảnh báo kinh tế Thái Lan có thể chỉ tăng trưởng 1-2% trong năm nay do làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ ba làm giảm hoạt động tiêu dùng và tác động đến lĩnh vực du lịch.
GDP của Thái Lan sụt giảm 6,1% trong năm 2020 - kết quả cả năm tồi tệ nhất trong vòng 2 thập niên qua kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 cũng khiến cho Bộ Tài chính Thái Lan lần thứ hai trong năm phải giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 từ 2,8% xuống còn 2,3% với giả định là 95% của khoản vay 1.000 tỷ baht được giải ngân.
NESDC ngày 24/5 cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Thái Lan trong quý đầu tiên của năm nay tăng lên mức cao nhất trong 12 năm qua do các đợt bùng phát mới của COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp là 1,96% trong quý I/2021, tương ứng với 758.000 lao động thất nghiệp, so với các mức lần lượt từ 1,86%, 1,90%, 1,95% và 1,03% trong quý IV, III, II và I của năm 2020.