Theo hãng tin AP, hôm 14/11, chính quyền Palestine đã đề xuất sơ tán có giám sát Bệnh viện Al-Shifa, khu phức hợp rộng lớn nằm ở trung tâm thành phố Gaza. Vài giờ sau, lực lượng Israel đã đột kích vào cơ sở này, khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Tiến sĩ Irwin Redlener - bác sĩ nhi khoa và chuyên gia ứng phó thảm họa tại Đại học Columbia, New York (Mỹ) – nhận định hoạt động sơ tán trẻ sơ sinh và trẻ sinh non có vấn đề về sức khỏe là vô cùng khó khăn nhưng có thể thực hiện, nếu có nhân viên y tế chuyên môn cao, thiết bị phù hợp và kế hoạch sơ tán thận trọng.
“Trẻ sơ sinh đang được chăm sóc trong lồng ấp có những nhu cầu sức khỏe phức tạp và cần được kiểm soát nhiệt độ, hydrat, dùng thuốc điều trị nhiễm trùng và hỗ trợ hô hấp”, bác sĩ Redlener nói.
Ông kể lại vào năm 2012, khi các bệnh viện ở New York phải sơ tán do siêu bão Sanday, các nhân viên y tế đã phải leo bộ xuống nhiều tầng cầu thang bế trẻ sơ sinh lên xe cấp cứu. Vào thời điểm đó, may mắn không có thảm kịch nào xảy ra, ít nhất là đối với trẻ sơ sinh. Cơn bão Sanday tấn công khu vực đô thị đông dân nhất nước Mỹ, khiến hàng chục người thiệt mạng sau khi tàn phá các cộng đồng ven biển, làm mất điện và quét sạch các khu dân cư.
“Hoạt động sơ tán đã diễn ra suôn sẻ vì họ có thời gian lên kế hoạch cho việc đó và tất cả các nguồn lực thích hợp đều có sẵn. Còn tình hình hiện tại ở Gaza hoàn toàn trái ngược”, ông lập luận.
Al-Shifa là bệnh viện lớn nhất và được trang bị tốt nhất ở Gaza, với hơn 500 giường bệnh, một phòng chăm sóc đặc biệt và các dịch vụ như lọc máu. Kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas nổ ra, bệnh viện này đóng vai trò là nơi trú ẩn của hàng chục nghìn cư dân phải rời bỏ nhà cửa khi xung đột leo thang.
Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện này là trọng tâm của cuộc chiến. Israel cáo buộc Hamas sử dụng cơ sở này cho mục đích quân sự. Các quan chức y tế Gaza và Hamas đều phủ nhận cáo buộc đó.
Hàng trăm người – bao gồm nhân viên y tế, trẻ sinh non và những bệnh nhân dễ bị tổn thương khác – đang bị mắc kẹt bên trong bệnh viện Al-Shifa với nguồn cung cấp ngày càng cạn kiệt, không có điện và không thể thoát ra ngoài an toàn.
Sáng ngày 15/11, lực lượng Israel đã đột kích vào khu phức hợp này. Quân đội cho biết các binh sĩ được đội y tế tháp tùng mang theo vật tư y tế, thực phẩm cho trẻ em cũng như lồng ấp và các thiết bị khác. Tuy nhiên, giới chức y tế nói rằng nguồn cung và thiết bị bổ sung không đủ để cứu bệnh nhân, trong khi giao tranh liên tục khiến việc sơ tán bệnh nhân không thể đảm bảo an toàn.
Tiến sĩ Natalie Thurtle, phó điều phối viên y tế của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới ở Jerusalem, cho biết nhiều bệnh nhân không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp trong nhiều tuần. Theo ông, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ sống sót hoặc hồi phục tốt sau bất kỳ cuộc sơ tán nào.
Do thiếu điện và mọi lồng ấp đang phải chạy bằng pin hoặc tự cấp nguồn, bác sĩ Redlener nói rằng hoạt động đưa trẻ trẻ sơ sinh ra khỏi bệnh viện yêu cầu nhân viên y tế có kinh nghiệm.
“Việc sơ tán cần diễn ra nhanh chóng nên họ cần biết mình sẽ đi đâu. Ngoài việc đưa bệnh nhân khỏi nơi nguy hiểm một cách an toàn sau những thảm hoạ, cần phải có nhân viên y tế có chuyên môn trên xe cứu thương để chăm sóc bệnh nhân nặng”, ông nói.
Cơ quan Y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết 40 bệnh nhân – trong đó có 3 trẻ sơ sinh – đã thiệt mạng sau khi máy phát điện khẩn cấp của bệnh viện hết nhiên liệu hôm 11/11. Hiện nay, 36 trẻ khác đang đối mặt với nguy cơ tử vong.
Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hàng chục trẻ em mắc bệnh ung thư và rối loạn máu đã được chuyển từ Dải Gaza đến Ai Cập và Jordan một cách an toàn để có thể tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Mohammed Obeid, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Al-Shifa thuộc Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, cho biết có khoảng 20 bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật và chưa thể đi lại.
“Chúng tôi không có xe cứu thương để sơ tán tất cả những bệnh nhân này”, bác sĩ Obeid nói và cho biết anh không thể rời đi. “Nếu tôi hoặc bác sĩ phẫu thuật khác không ở đây, ai sẽ chăm sóc các bệnh nhân”.
Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho biết giới chức đã liên lạc với Cơ quan Y tế ở Gaza của Hamas và các bên liên quan. Tổ chức này bày tỏ vô cùng quan ngại về tình hình tại bệnh viện Al-Shifa, nhấn mạnh rằng các bệnh viện cần được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế và phải tránh bạo lực.
“Các bệnh viện và cơ sở y tế phải được coi là nơi tôn nghiêm nhân đạo”, tổ chức này kêu gọi.
Tối ngày 14/11, nhóm viện trợ Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine đã thông báo sơ tán bệnh nhân, bác sĩ và nhiều gia đình còn lại khỏi bệnh viện Al-Quds, nằm ở phía Nam Shifa. Ông Nebal Farsakh, người phát ngôn của nhóm, nói rằng 300 người vẫn mắc kẹt trong bệnh viện này.