Theo trang tin về Trung Đông Al-monitor.com mới đây, quyết định ngừng xuất khẩu khí đốt của Nga sang Bulgaria vào ngày 27/4 đã khiến nước này phải tìm đến các nước láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để giúp bù đắp thiếu hụt khí đốt.
Thổ Nhĩ Kỳ có các kết nối đường ống trực tiếp đến Bulgaria và Hy Lạp, cả hai đều có thể được sử dụng để cung cấp cho Bulgaria, nhưng sẽ cần phải khắc phục một số vấn đề kỹ thuật và pháp lý.
Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến Liên minh châu Âu (EU) phản ứng bằng một loạt biện pháp trừng phạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga.
Trong một sắc lệnh ban hành ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng các quốc gia không thân thiện sẽ phải thanh toán khí đốt nhập khẩu từ nước này bằng đồng ruble, một động thái nhằm hạn chế tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt và giúp hỗ trợ đồng tiền nội tệ của Moskva.
EU xác nhận ngày 1/5 rằng họ sẽ không chấp nhận và cảnh báo các nước thành viên sẵn sàng cho tình huống bị Nga cắt nguồn cung tương tự như Bulgaria.
Phản ứng trước động thái của Nga, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov tuyên bố rằng Bulgaria sẽ không nhượng bộ, trong khi Bộ trưởng Năng lượng nước này Alexander Nikolov xác định Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là các nguồn cung cấp khí đốt thay thế, đề cập đến việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Mức tiêu thụ khí đốt của Bulgaria ở mức thấp, dưới 3,5 tỷ mét khối một năm. Hầu hết trong số đó được cung cấp từ Nga, cùng với một lượng nhỏ đến từ Azerbaijan qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp thông qua các đường ống đã hoạt động hết công suất.
Khí nhập khẩu từ Nga của Bulgaria có thể được thay thế bằng khí nhập khẩu dưới dạng LNG thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, cả hai đều có các trạm và đường ống nhập khẩu LNG với công suất dự phòng.
Thổ Nhĩ Kỳ có một liên kết đường ống trực tiếp với Bulgaria hiện chưa được sử dụng, cũng như một đường ống công suất lớn hơn chạy đến Hy Lạp chỉ vận chuyển một lượng nhỏ khí đốt.
Cả hai đường ống đều có thể vận chuyển khí đốt nhập khẩu qua trạm LNG do công ty nhập khẩu khí đốt nhà nước Botas của Thổ Nhĩ Kỳ vận hành trên bờ biển phía Bắc của Biển Marmara, hoặc qua một bến LNG nổi mới mà Botas đang phát triển trên Vịnh Saros gần biên giới với Hy Lạp. Nhà máy này dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay, cũng như đường ống dẫn khí thứ hai nối Hy Lạp và Bulgaria.
Với tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết đã có sẵn hoặc sắp đưa vào sử dụng, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng cung cấp khí đốt thiếu hụt cho Bulgaria, nhưng một số vấn đề vẫn cần phải giải quyết.
Arif Akturk, một nhà phân tích năng lượng và từng là người đứng đầu bộ phận thu mua khí đốt của Botas, giải thích: “Về mặt kỹ thuật thì có thể, nhưng việc này sẽ yêu cầu các thỏa thuận xuyên biên giới và một số thay đổi về luật pháp”.
Ngay cả khi có những thỏa thuận xuyên biên giới, vẫn sẽ còn những hạn chế. Đường ống dẫn trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ đến Bulgaria hiện chưa được sử dụng và có thể chuyển khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó cũng rất gần với các khu vực có nhu cầu khí đốt cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul và khu công nghiệp phía Tây Bắc nước này.
Chuyên gia Akturk nói: “Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển khí đốt của Bulgaria vào mùa Hè vì nhu cầu sử dụng thấp, nhưng vào mùa Đông thì rất khó, vì cả trạm LNG và đường ống ở Thrace đều được sử dụng để cung cấp cho Istanbul”.
Theo chuyên gia Akturk, lựa chọn tốt nhất của Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp cho Bulgaria sẽ là đường ống Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp ít được sử dụng, được xây dựng cách đây gần 15 năm với công suất hàng năm lên tới 11 tỷ mét khối - gấp ba lần nhu cầu hàng năm của Bulgaria.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng vấn đề này có một trở ngại nghiêm trọng là sự cần thiết phải thay đổi luật pháp để đảm bảo rằng bất kỳ hoạt động buôn bán khí đốt nào với Bulgaria diễn ra suôn sẻ.
Cũng như phần còn lại của châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn với vấn đề giá khí đốt, vốn đã tăng vọt lên mức chưa từng có ngay cả trước khi xung đột Nga-Ukraine. Trong trường hợp Ankara đồng ý cung cấp khí đốt cho Bulgaria, có khả năng sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một vấn đề khác đặt ra là liệu Ankara có sẵn sàng thực hiện những thay đổi cần thiết để cung cấp khí đốt cho Bulgaria hay không, một động thái có thể gây phản ứng từ Moskva.
Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào Nga về phần lớn nguồn cung cấp khí đốt của mình. Nga cung cấp 38% trong số 13 tỷ mét khối mà nước này nhập khẩu trong hai tháng đầu năm nay và không có nguồn thay thế nào có khả năng cung cấp khối lượng đó trong ngắn hạn.