Các doanh nghiệp Bulgaria muốn Nga nối lại nguồn cung khí đốt

Các doanh nghiệp Bulgaria muốn Sofia có thể nối lại các cuộc đàm phán với Gazprom, sau khi Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga dừng cung cấp khí đốt đến nước này. 

Chú thích ảnh
Các kỹ sư tại công trường xây dựng của một trạm đo khí, một phần của dự án đường ống dẫn khí giữa Bulgaria và Hy Lạp, gần làng Malko Kadievo. Ảnh: AFP

Theo đài RT (Nga), tuyên bố trên do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Bulgaria Kornelia Ninova đưa ra trong cuộc họp báo với Tổ chức Nhà tuyển dụng Chuyên nghiệp Bulgaria (PEO) hôm 28/4. Bà Ninova cho biết: “Chúng tôi đề xuất rằng đến lúc đó, giá khí đốt nên được giữ nguyên hoặc giới hạn ở mức như trong hợp đồng với Gazprom. Chênh lệch về giá cao hơn từ các nguồn cung cấp thay thế sẽ do nhà nước Bulgaria chi trả”.

Đề xuất này được đưa ra một ngày sau khi nhà cung cấp năng lượng Gazprom thông báo ngắt van khí đốt đến Bulgaria do nước này từ chối yêu cầu gần đầy của Moskva về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Gazprom cho biết nguồn cung khí đốt đến thị trường này sẽ được khôi phục sau khi các khoản thanh toán bằng đồng rúp được thực hiện. Bulgaria là quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt của Moskva. Nước này phụ thuộc tới gần 90% khí đốt của Nga, phần còn lại đến từ Azerbaijan. 

Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đã chỉ trích rằng việc Nga ngừng cấp khí đốt cho Bulgaria do liên quan các yêu cầu thay đổi phương thức thanh toán là vi phạm nghiêm trọng các hợp đồng hiện tại. Ông Petkov cho biết Bulgaria vẫn có đủ nguồn cung cấp khí đốt cho hơn 1 tháng nên hiện tình hình chưa có gì thay đổi. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng Sofia sẽ không chấp nhận các điều khoản của Nga về xuất khẩu khí đốt.

“Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành việc xây dựng một tuyến liên kết mới với Hy Lạp vào cuối tháng 6. Chúng tôi cũng mong đợi sẽ xây dựng một chiến lược chung về mua khí đốt hóa lỏng với Ủy ban châu Âu”, ông Petkov tuyên bố.

Nguồn cung khí đốt của Đông Âu dường như đang bị đe dọa trong bối cảnh phương Tây ngày càng thể hiện rõ sự ủng hộ với Ukraine và gia tăng áp lực lên Nga. Trước khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cung cấp khí đốt đã trở thành vấn đề căng thẳng giữa Nga và các nước láng giềng châu Âu. Tại thời điểm đó, Moskvva bị cáo buộc sử dụng nguồn cung năng lượng như một vũ khí địa chính trị. Song Nga đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc trên và Tổng thống Vladimir Putin đã gọi những cáo buộc này là vô căn cứ. 

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Ký ức ‘đắng’ năm 2009 khiến Đông Nam Âu cấp bách tìm nguồn khí đốt mới
Ký ức ‘đắng’ năm 2009 khiến Đông Nam Âu cấp bách tìm nguồn khí đốt mới

Các nước Balkan đã có những trải nghiệm cay đắng của việc bị cắt nguồn khí đốt từ Nga, và đó không phải là điều họ muốn lặp lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN