Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), ngày 29/4, Tổng thống Joko Widodo đã quyết định chuyển thủ đô từ Jakarta sang một thành phố khác. Thủ đô mới sẽ nằm ở khu vực bên ngoài đảo Java.
Mặc dù chưa công bố chính xác vị trí mới, phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Kế hoạch Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết kế hoạch này có thể mất tới 10 năm để thực hiện và vị trí có thể là bờ Đông Indonesia.
Tổng thống Joko Widodo đã cho thực hiện một cuộc khảo sát do Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia (BAPPENAS) đảm trách, để nghiên cứu chọn một địa điểm mới có thể ở tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Indonesia cũng lên mạng xã hội Twitter đăng dòng trạng thái hỏi ý kiến người dân lựa chọn địa điểm mới cho việc di dời thủ đô.
“Jakarta đang phải chịu hai gánh nặng cùng một lúc: trung tâm hành chính và trung tâm kinh tế. Các bạn nghĩ thủ đô Indonesia sắp tới sẽ nên ở đâu”, Tổng thống Widodo đăng tweet.
Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, song vùng đô thị Jakarta có dân số gần 30 triệu người. Mặc dù đã xây dựng hệ thống tàu điện ngầm mới song thành phố này vẫn luôn là một trong những nơi có tình trạng giao thông tồi tệ nhất thế giới. Tình trạng ách tắc giao thông đang là nguyên nhân gây thiệt hại tới 7,04 tỷ USD kinh tế hàng năm của Jakarta. Ngoài ra, do vị trí nằm ở vùng đất thấp, thủ đô quốc gia vạn đảo này rất dễ bị ngập lụt khi triều cường.
Đây không phải là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Indonesia đề xuất phương án di dời thủ đô. Trước đó, Tổng thống Sukarno cũng từng có phương án thiên đô tới Palangkaraya – một tỉnh trên đảo Borneo – vào những năm 1950. Tới năm 2017, chính quyền của Tổng thống Widodo cũng nghiên cứu kế hoạch di dời tới Palangkaraya có diện tích rộng gấp 4 lần Jakarta.
Phó Tổng thống Jusuf Kalla, đến từ tỉnh Nam Sulawesi, gợi ý nên đặt thủ đô mới trên đảo quê hương của ông. Ông loại trừ phương án đảo Sumatra ở phía Đông Jakarta vì nguy cơ thảm họa thiên nhiên.
Bộ trưởng Brodjonegoro ngày 30/4 trả lời báo giới cho biết quá trình di dời thủ đô có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm.
“Việc đó sẽ mất nhiều thời gian. Vùng đất mới cần hoàn toàn không có xung đột và nhận được sự chấp thuận từ những người chủ trước khi kế hoạch phát triển có thể triển khai”, Bộ trưởng Brodjonegoro giải thích.
Động thái mới của Indonesia được cho là tiếp tục xu hướng xây dựng các thành phố thủ đô mới trong khu vực, sau khi Chính phủ Malaysia chuyển thủ đô hành chính tới Putrajaya vào giữa những năm 1990 và Myanmar bất ngờ dời thủ đô hành chính đến Naypyidaw vào năm 2006.
Theo nhà kinh tế chính trị Bayu Dardias Kurniadi tại Đại học Quốc gia Australia, chi phí thực thi kế hoạch di dời thủ đô có thể lên tới 33 tỷ USD. Thủ đô mới cần diện tích rộng 40.000 hecta và có dân số vào khoảng 900.000 – 1,5 triệu người.
“Xây dựng một thành phố mới là rất đắt đỏ và không thể dựa hoàn toàn vào ngân sách nhà nước và các cơ quan đơn vị nhà nước”, Aichiro Suryo Prabowo, giảng viên dạy chính sách cơ sở hạ tầng tại Đại học Indonesia, nhận định. “Lý tưởng nhất là các dự án thu được lợi nhuận có thể thu hút các nhà đầu tư tư nhân với việc công khai đấu thầu, cạnh tranh và ngân sách nhà nước có thể được phân bổ để hỗ trợ”.
Chuyên gia quy hoạch đô thị Ian Morley tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết việc di dời thủ đô sẽ không hề dễ dàng gì.
“Bắt đầu từ vạch xuất phát và muốn có một thành phố toàn diện không phải là một dự án có thể thực hiện trong nháy mắt, song nó vẫn có thể triển khai và mang lại kết quả, như những ví dụ lịch sử như Canberra (Australia), Brasilia (Brazil) và Astana (Kazakhstan). Quá trình đó cần tầm nhìn, sự kiên trì và rất nhiều tiền. Kế hoạch cũng cần phải đưa ra những lý do khiến mọi người muốn sống ở đó: nhà ở, hệ thống giao thông, các cơ sở văn hóa và một nền kinh tế sẵn sàng”, chuyên gia Ian lý giải.
Trong khi đó, theo giảng viên Rita Padawangi tại Đại học Khoa học – Xã hội Singapore, việc di dời thủ đô Jakarta không thể đem so sánh với việc di dời Naypyidaw (Myanmar) hay Putrajaya (Malaysia), do vị trí địa lý của quốc gia này khác biệt.
Myanmar và Malaysia đều nằm gọn bên trong lục địa Đông Nam Á, trong khi Indonesia là một quần đảo. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc di dời khỏi hòn đảo Java đông dân nhất cũng cần một kế hoạch cực kỳ chi tiết, kỹ lưỡng để không ảnh hưởng tới sự liên kết giữa thủ đô mới với các khu vực khác.
“Nếu lũ lụt, ùn tắc giao thông, ngập do thủy triều và ô nhiễm là vấn đề, tại sao di chuyển thủ đô lại là giải pháp? Nếu kế hoạch di dời bắt nguồn từ một nỗ lực mang đến sự phát triển và để giảm tình trạng không cân bằng ở các đảo xa xôi, hẻo lánh của Indonesia, thì nó sẽ mang ý nghĩa hơn”, bà Padawangi bày tỏ.