Theo số liệu vừa được công bố, có tổng cộng 272 người đã tử vong chỉ 10 ngày sau khi Indonesia tổ chức bầu cử khu vực và bầu cử tổng thống cùng một lúc. Phần lớn trong số đó là tử vong do làm việc quá sức, Arief Priyo Susanto – phát ngôn viên Ủy ban Bầu cử Quốc gia Indonesia (KPU) – cho biết hôm 18/4. Bên cạnh đó, còn 1.878 người khác lâm bệnh sau đếm hàng triệu lá phiếu bằng tay.
Áp lực công việc gia tăng được cho là kết quả khi hai cuộc bầu cử khu vực và tổng thống lần đầu tiên trong lịch sử được gộp chung tại quốc gia này, như một nỗ lực nhằm tiết kiệm chi phí. Hiện KPU đang phải hứng chịu chỉ trích vì không chăm lo đầy đủ sức khỏe của nhân viên.
Trong ngày bầu cử gộp kéo dài 8 tiếng hôm 17/4, khoảng 193 triệu người dân đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu bầu ra 20.000 ghế trong các cơ quan lập pháp quốc gia và địa phương. Gần 6 triệu nhân viên đã phải làm việc không ngừng nghỉ tại 810.000 điểm bỏ phiếu để thu thập và kiểm phiếu.
Trong một số trường hợp, nhân viên phải làm việc liền 30 tiếng đồng hồ liên tiếp để kiểm phiếu, dẫn tới tình trạng kiệt sức do làm quá nhiều giờ. Cũng có một vài báo cáo xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến việc vận chuyển lá phiếu.
Theo báo Nhật Bản Nikkei, các điểm bỏ phiếu tại Indonesia trong năm nay phần lớn thuê nhân công thời vụ từ người dân địa phương. Mỗi nhân công thời vụ có thể kiếm được 35 USD/tháng, và phần lớn các vị trí tuyển người già về hưu hoặc người thất nghiệp.
Không giống những nhân viên chính thức, người làm thời vụ không được kiểm tra sức khỏe trước khi nhận việc. Nhân viên kiểm phiếu sẽ phải làm việc đến rạng sáng, và thường công việc được thực hiện ở ngoài trời dưới cái nóng 30 độ C. Điều kiện làm việc căng thẳng đã khiến nhiều nhân viên thời vụ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
Ủy ban bầu cử Indonesia dự kiến bồi thường 2.500 USD cho mỗi gia đình có người thân tử vong do làm việc trong mùa bầu cử. Số tiền này tương đương tiền lương tối thiểu một năm. Những người ốm và bị thương đang chữa trị cũng nhận được tiền thù lao đầy đủ.
Bambang Soesatyo, người phát ngôn của Hạ viện, ngày 27/4 cho biết nước này nên chuyển sang bỏ phiếu điện tử để giảm chi phí cũng như khối lượng công việc. Ông kêu gọi sửa đổi trong luật bầu cử quốc gia, lấy Brazil - nơi sử dụng chính sách bỏ phiếu điện tử cho 150 triệu cử tri – làm tấm gương.
Với 36% số phiếu được kiểm cho đến nay, Tổng thống đương nhiệm Joko "Jokowi" Widodo vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 56% trước đối thủ - cựu tướng Mitchowo Subianto. Ủy ban bầu cử dự kiến công bố kết quả kiểm phiếu vào ngày 22/5 tới, khẳng định tình trạng nhân viên kiểm phiếu tử vong sẽ không ảnh hưởng đến lịch trình.