Tây Ban Nha tiêm mũi tăng cường cho người đã tiêm vaccine của J&J

Ngày 26/10, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết nước này có kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường của hãng Pfizer hoặc Moderna cho những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine của hãng Johnson&Johnson (J&J).

Chú thích ảnh
 Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thông báo, bắt đầu từ ngày 15/11 tới, khoảng 2 triệu người dân nước này từng được tiêm mũi 1 vaccine của J&J sẽ được tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của hãng Pfizer hoặc Moderna, cách mũi tiêm đầu tiên 3 tháng.

Với khoảng 88,5% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, Tây Ban Nha là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 cao nhất ở châu Âu.

Đầu tháng này, Chính phủ Tây Ban Nha đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường của hãng Pfizer và Moderna cho người trên 70 tuổi. Tỷ lệ lây nhiễm ở nước này trong ngày 25/10 so với 14 ngày trước đó đã tăng vọt lên 46,4 ca/100.000 người, song con số này vẫn duy trì dưới 50 ca, ngưỡng được chính phủ Tây Ban Nha coi là mức rủi ro thấp.

Cùng ngày, hãng dược phẩm BioNTech (Đức), từng hợp tác sản xuất vaccine với hãng Pfizer (Mỹ), cho biết đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine ở châu Phi vào năm tới. Dự án trên được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 của châu Phi và thúc đẩy việc tiêm chủng vốn đình trệ, khi chỉ có 5,2% dân số tại châu lục này được tiêm đủ liều vaccine.

BioNTech cho biết đang làm việc với nhà chức trách ở cả hai nước Rwanda và Senegal và đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy vào giữa năm 2022.

Sau khi hoàn tất thỏa thuận với BioNtech, Bộ trưởng Y tế Rwanda cho biết hãng sẽ giúp xây dựng địa điểm sản xuất và hỗ trợ năng lực xây dựng cũng như chia sẻ kiến thức sản xuất vaccine cho nước này. Ông cho biết thêm địa điểm xây dựng nhà máy sẽ được đặt tại đặc khu kinh tế của thủ đô Kigali. 

Theo BioNTech, nhà máy khi hoàn thành sẽ bắt đầu sản xuất với công suất khoảng 50 triệu liều vaccine một năm.

Trước đó, vào tháng 8 vừa qua, BioNTech đã công bố kế hoạch xây dựng "năng lực sản xuất vaccine bền vững" ở Rwanda và Senegal, không chỉ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 mà còn cả vaccine phòng bệnh sốt rét và bệnh lao bằng công nghệ mRNA.

Tháng 7 vừa qua, cả Pfizer và BioNtech thông báo đang hợp tác với tập đoàn Biovac trong việc đóng lọ vaccine ngừa COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi vào năm 2022. 

Hiện tại, chỉ 1% lượng vaccine được sử dụng ở châu Phi được sản xuất tại châu lục này. Liên minh châu Phi mong muốn tỷ lệ này sẽ tăng lên 60 % vào năm 2040. Châu Phi, với dân số 1,2 tỷ người, hiện có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới. Điều này cho thấy sự phụ thuộc rất lớn của châu Phi vào nguồn vaccine nhập khẩu và khoảng cách công nghệ so với châu Âu cũng như với Trung Quốc và Mỹ.

Lê Đạt (TTXVN)
Liên minh châu Phi mua 10 triệu liều vaccine của hãng Moderna 
Liên minh châu Phi mua 10 triệu liều vaccine của hãng Moderna 

Liên minh châu Phi (AU) ngày 26/10 cho biết khối này dự định sẽ mua tới 110 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna Inc trong một thỏa thuận do chính quyền Mỹ làm trung gian. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN