Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn số liệu mới nhất trên nền tảng tiêm chủng COWIN của Ấn Độ cho thấy tính đến 11h ngày 21/10 đã có 708,4 triệu người dân nước này tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 292 triệu người tiêm mũi hai, tương đương khoảng 21% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu tiêm đủ liều cho toàn bộ dân số trưởng thành vào cuối năm.
Hiện Covishield và Covaxin là hai vaccine chủ lực trong chương trình tiêm phòng COVID-19 của Ấn Độ. Nguồn cung hai loại vaccine này khá dồi dào khi Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đang sản xuất 220 triệu liều Covishield/tháng, tăng từ 150 triệu trong tháng 8. Trong khi đó, công ty Bharat Biotech đang cung cấp 30 triệu liều Covaxin/tháng và dự kiến con số này sẽ tăng lên 50 triệu trong tháng tới.
Với nguồn cung dư thừa, Ấn Độ có kế hoạch sẽ nối lại đầy đủ sứ mệnh Vaccine Hữu nghị trong những tháng tới. Trong khi đó, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng khuyến nghị đã đến lúc chính phủ nước này bắt đầu cân nhắc lựa chọn tiêm mũi tăng cường, ít nhất đối với những người đã được tiêm từ đầu năm và những người trưởng thành bị suy giảm hệ miễn dịch. Cho đến nay, Chính phủ Ấn Độ cho biết không có kế hoạch tiêm liều tăng cường và thay vào đó tập trung vào việc tiêm cho càng nhiều người càng tốt.
* Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo Mỹ đã viện trợ tổng cộng 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 100 quốc gia.
Trong một tuyên bố đánh dấu mốc quan trọng này, Nhà Trắng nêu rõ: "Tính đến hôm nay, Mỹ đã quyên tặng và phân phối 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới hơn 100 nước trên thế giới". Tuyên bố nhấn mạnh Mỹ và chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết trong năm tới về việc viện trợ hơn 1 tỷ liều vaccine cho những nước có nhu cầu. Những vaccine này sẽ giúp cứu sống mọi người, bảo vệ sinh kế của người dân, cũng như khôi phục các nền kinh tế hiện chịu ảnh hưởng nặng nề đại dịch COVID-19.
Trong những tuần gần đây, Mỹ đã đẩy mạnh công tác viện trợ vaccine. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Kenya Uhuru Kenyatta tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ viện trợ thêm ngay lập tức 17 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson cho Liên minh châu Phi (AU) ngoài 50 triệu đã viện trợ trước đó.
* Trong bối cảnh các chính phủ trên khắp châu Âu đang nỗ lực đảm bảo kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 khi mùa Đông đến gần, Hạ viện Pháp đã bỏ phiếu thông qua việc gia hạn việc áp dụng thẻ thông hành y tế cho tới ít nhất ngày 31/7/2022.
Thẻ thông hành y tế được cấp dưới dạng một mã QR xác nhận đã tiêm vaccine đủ liều, xét nghiệm âm tính với virus hoặc chứng nhận đã phục hồi sau khi mắc COVID-19. Những người có thẻ này được phép đến các địa điểm như quán bar, nhà hàng hoặc sân vận động.