Italy ấn định thời gian mở rộng đối tượng được tiêm liều vaccine tăng cường

Ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa cho biết nước này sẽ sớm bắt đầu mở rộng đối tượng được tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cailungo, San Marino, Italy. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Italy đang tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng, cùng người già và nhân viên y tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu với chương trình Sky TG24, Thứ trưởng Costa nhấn mạnh khung thời gian mà chính phủ “đang xem xét để mở rộng nhóm đối tượng nên tiêm mũi vaccine thứ 3 là từ cuối năm nay đến đầu năm sau”.

Theo ông Costa, Italy cơ bản mở cửa gần như toàn bộ và chỉ áp đặt giới hạn trong một số lĩnh vực nhờ yếu tố tích cực là tỷ lệ những người tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi đầu tăng lên, giúp cho việc quản lý trở nên dễ dàng hơn và đất nước trở lại trạng thái bình thường hoàn toàn, khi tất cả các ngành và hoạt động kinh tế của nước này sẽ có thể hoạt động 100% công suất vào cuối năm 2021.

Hiện chính phủ chỉ cho phép các sân vận động đón tối đa 75% khán giả, trong khi các phòng tập thể thao là 60% và câu lạc bộ đêm là 50%.

Trong khi đó, trong bài phát biểu tại Thượng viện cùng ngày, Thủ tướng Mario Draghi đã đánh giá cao chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Italy và cảm ơn tất cả những người đã đi tiêm chủng. Cho đến nay, tại Italy có 86% số người đủ điều kiện tiêm chủng trên 12 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 81% đã được tiêm đủ liều, cao hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Draghi cho biết hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu, dự kiến diễn ra vào ngày 21 - 22/10 tại Brussels (Bỉ), sẽ xem xét một "cách tiếp cận của châu Âu để giải quyết và vượt qua các đại dịch trong tương lai. Chúng ta phải đầu tư vào khoa học và nghiên cứu, điều cho phép chúng ta có vaccine an toàn và hiệu quả trong vòng vài tháng".

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết chính phủ đặt mục tiêu tăng ngân sách dành cho y tế lên 128 tỷ euro vào năm 2024, so với mức 114 tỷ euro năm 2019 và 122 tỷ euro năm 2021.

* Ngày 20/10, giới chức Sri Lanka đã gia hạn lệnh cấm đi lại liên tỉnh đến ngày 31/10 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Đây là chỉ thị của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa nhằm hạn chế người dân di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Theo nhà chức trách Sri Lanka, quyết định này được đưa ra dựa trên tình hình thực tế khi một số người đang hành động thiếu trách nhiệm. 

Hồi đầu tuần này, giới chức Sri Lanka cho biết đã thắt chặt lệnh cấm đi lại nhằm ngăn chặn người dân di chuyển giữa các tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia Nam Á có 2 ngày lễ tôn giáo trong tuần này. Tổng thống Rajapaksa đã ra chỉ thị cho các lực lượng an ninh giám sát chặt chẽ và nghiêm ngặt hoạt động đi lại của các phương tiện giao thông ở tất cả các cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành.

Đầu tháng này, Sri Lanka đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 42 ngày sau khi nước này đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 3 do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao gây ra. Giới chuyên gia y tế cho rằng tốc độ lây lan đã giảm mạnh nhưng lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh vẫn được duy trì.

Đến nay, Sri Lanka ghi nhận tổng cộng 532.766 ca bệnh, trong đó 13.525 ca tử vong.

Dương Hoa - Trần Quyên (TTXVN)
Quỹ Bill & Melinda Gates nỗ lực hỗ trợ các nước thu nhập thấp tiếp cận thuốc điều trị COVID-19
Quỹ Bill & Melinda Gates nỗ lực hỗ trợ các nước thu nhập thấp tiếp cận thuốc điều trị COVID-19

Ngày 20/10, Quỹ Bill & Melinda Gates đã công bố khoản đầu tư lên tới 120 triệu USD trong nỗ lực tạo điều kiện để các nước thu nhập thấp có thể sớm tiếp cận Molnupiravir, loại thuốc điều trị COVID-19 do hãng Merck & Co của Mỹ bào chế đang được thử nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN