Tây Ban Nha đau đầu trước bài toán tạo việc làm

Có trong tay bằng cử nhân cộng với 5 năm kinh nghiệm làm việc và nói thành thạo ba ngoại ngữ, song Paloma Fernandez vẫn là một trong những thành viên "bất đắc dĩ" của đội quân thất nghiệp đang ngày càng phình to ở Tây Ban Nha.
 

Đội quân thất nghiệp đang ngày càng phình to ở Tây Ban Nha.

 

Là biên dịch viên tại Bộ Tư pháp Tây Ban Nha, cô gái 28 tuổi này bị mất việc đã 4 năm nay và tháng trước lại mất nốt quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Kể từ khi bị mất việc, Fernandez đã gửi đơn xin làm một loạt công việc khác nhau như biên dịch, nhân viên hành chính hoặc lễ tân, song mọi cố gắng của cô đều vô ích. "Đôi khi bạn chỉ muốn gào lên: Tôi muốn có việc làm, tôi muốn có việc làm! Người ta thường hay phàn nàn về những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, nhưng khi bạn không có việc làm, bạn lại mong có được tâm trạng ấy", Fernandez tâm sự.


Fernandez hiện ở cùng bạn trai trong một căn hộ nhỏ được cô thuê với giá 400 euros (520 USD)/tháng tại một vùng ngoại ô thủ đô Mađrít. Bạn trai cô cũng đang thất nghiệp. "Tôi thấy rất bất ổn và không biết cuộc sống của mình sẽ ra sao. Tôi không thể đặt ra một kế hoạch lớn nào cho dài hạn, ngay cả ngắn hạn cũng vậy", Fernandez nói. Hiện Fernandez đang sống tạm qua ngày bằng việc học thêm tiếng Nhật, đến các lớp tập thể hình và dạy kèm ngoại ngữ cho các sinh viên.


Rất nhiều bạn trẻ Tây Ban Nha hiện cũng gặp những tình cảnh tương tự như Fernandez. Theo các số liệu chính thức, tính đến cuối quý I năm nay, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm có độ tuổi từ 16 - 24 ở Tây Ban Nha đã vọt lên mức cao kỷ lục 57,22%, tỷ lệ thất nghiệp chung cũng ở mức kỷ lục là 27,16%. Sara Balina, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Analistas Financieros Internacionales có trụ sở tại Mađrít cho hay, thất nghiệp tràn lan trong giới trẻ hiện nay thực sự là sự thiệt thòi mất mát.


Rocio Alarcon, 23 tuổi, nhận bằng cử nhân khoa học chính trị hồi năm ngoái với tấm bằng loại ưu, cũng chia sẻ những lo ngại của mình. Đang sống cùng bố mẹ tại Mađrít, Alarcon hy vọng sẽ tìm được việc làm để đỡ đần gia đình và để dành tiền trả cho chương trình theo học thạc sỹ mà cô sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới. "Tôi không tham vọng được làm đúng nghề mà mình đã học, nhưng kể cả thế, tất cả các đơn xin việc của tôi đều không được hồi âm", cô gái trẻ buồn rầu nói và cho biết, các nhà tuyển dụng thường yêu cầu các ứng viên phải có trình độ tiếng Anh tốt và đã có kinh nghiệm làm việc.


Cũng giống như nhiều thanh niên trẻ không có việc làm ở Tây Ban Nha, Alarcon đã lên kế hoạch ra nước ngoài tìm việc. Đây là một xu hướng mà nhiều chuyên gia lo ngại rằng Tây Ban Nha đang để "chảy máu" các tài năng trẻ của nước này. Fernandez cũng nói rằng cô luôn để ngỏ khả năng ra nước ngoài tìm việc và đến nay thì điều này đã trở thành cấp thiết. "Ra nước ngoài làm việc giờ đây không còn là sự lựa chọn theo sở thích nữa mà đã trở thành lựa chọn duy nhất của tôi. Cái cảm giác bị buộc phải đi hoặc không còn lựa chọn nào khác thật là khó khăn", Fernandez cho biết.


Theo số liệu của Viện Thống kê quốc gia, kể từ đầu năm 2012 cho đến cuối tháng 3/2013, đã có khoảng 365.000 thanh niên Tây Ban Nha trong độ tuổi 16 - 29 phải rời bỏ đất nước ra nước ngoài tìm việc. Với việc Tây Ban Nha đang rất cần phải thay đổi mô hình kinh tế của mình thì tình trạng “chảy máu chất xám” này cũng là sự mất mát của cả một nền kinh tế. Theo bà Balina: "Một trong những nhân tố cơ bản cho tăng trưởng là nguồn lực con người. Chúng ta không thể để chuyện những người trẻ tuổi có học vấn cao - những người có thể giúp làm hồi sinh những lĩnh vực mà Tây Ban Nha đang cần để phục hồi tăng trưởng, lại là những người phải bỏ đất nước ra đi tìm kế sinh nhai."



Thùy Chi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN