Hành khách tại một nhà ga ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 19/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người đứng đầu chính phủ cho rằng Tây Ban Nha sẽ phải giảm nợ công cũng như thâm hụt công, vì thế cần tăng khả năng thu ngân sách của nhà nước. Theo ông Sanchez, thu nhập từ thuế thấp khiến nước này không thể tránh khỏi việc cải cách tài chính vì nguồn thu ngân sách thấp hơn nhiều so với mức trung bình của châu Âu. Tuy nhiên, để xây dựng chế độ phúc lợi tốt, Thủ tướng Sanchez cho rằng việc tăng thuế sẽ áp dụng đối với các công ty lớn chứ không phải đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Ông Sanchez cũng sẽ tìm cách để nhanh chóng áp thuế môi trường.
Thủ tướng Sanchez cam kết chi 9 tỷ euro cho các khu vực của nước này nhằm tăng cường hệ thống y tế công vốn phải hoạt động hết công suất trong thời kỳ dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 28.300 người. Ông Sanchez đưa ra tuyên bố trên khi các quốc gia châu Âu đang đàm phán về một quỹ giải cứu trị giá 750 tỷ euro. Điều này được cho là chủ yếu có lợi cho các quốc gia phía Nam như Tây Ban Nha và Italy, những nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh ở châu Âu. Ngành du lịch của Tây Ban Nha chịu thiệt hại lớn nhất vì trong cả mùa Xuân vừa qua không đón tiếp du khách quốc tế. Việc đóng cửa ngành du lịch đã gây tổn thất lớn đối với nền kinh tế khi ngành này đóng góp 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 13% số việc làm.
* Cũng trong ngày 2/7, Bồ Đào Nha cho biết sẽ quốc hữu hóa hãng hàng không TAP nhằm ngăn chặn công ty này sụp đổ. Tương tự như các hãng hàng không khác, TAP chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh. Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết sẽ đầu tư 55 triệu euro vào công ty này, theo đó tăng tỷ lệ sở hữu từ 50% lên 72,5%. Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Joao Leao tuyên bố hoạt động của TAP có ý nghĩa chiến lược do đó chính phủ đã can thiệp.
TAP đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực du lịch của Bồ Đào Nha khi gần 90% du khách đến nước này bằng đường không, trong đó một nửa sử dụng hãng hàng không này.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các nước đã áp đặt nhiều biện pháp phong tỏa bao gồm hạn chế đi lại khiến hoạt động của ngành hàng không gần như đình trệ. Không chỉ TAP của Bồ Đào Nha, các hãng hàng không lớn khác của châu Âu bao gồm Lufthansa và Air France cũng được các quốc gia hỗ trợ để giảm bớt tổn thất.