Tàu sân bay Mỹ, John C.Stennis. Ảnh: Reuter |
Ngày 15/6, Chỉ huy trưởng tàu sân bay John C.Stennis, ông Gregory C.Hufman cho biết, một tàu do thám của Trung Quốc đã theo dõi tàu của ông khi đang tham gia tập trận chung với Hải quân Ấn Độ và Nhật Bản bắt đầu từ vùng biển Hoa Đông đến gần vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Tây Thái Bình Dương và thường giữ khoảng cách với tàu Stennis từ 7 đến 10 dặm.
Được biết, tàu do thám của Trung Quốc đã theo dõi tàu sân bay Stennis từ khi con tàu này thực hiện chiến dịch tuần tra để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Một sỹ quan Hải quân Nhật Bản giấu tên cho biết, sau cuộc tập trận, tàu sân bay Stennis sẽ tách ra khỏi các tàu khác và làm “mồi nhử” cho tàu do thám Trung Quốc.
Tàu sân bay Stennis có độ giãn nước 100.000 tấn, mang theo nhiều máy bay chiến đấu F-18, tham gia tập trận cùng với 9 tàu hải quân khác, trong đó có một tàu sân bay của Nhật và các tàu khu trục cỡ nhỏ của Ấn Độ ở vùng biển ngoài khơi gần đảo Okinawan. Ngoài ra, tham gia cuộc tập trận này còn có một số máy bay săn ngầm của Nhật Bản.
Cuộc tập trận được mang tên Malabar và sẽ diễn ra trong 8 ngày. Đây là cuộc tập trận thường niên của lực lượng Hải quân Mỹ, Nhật và Ấn Độ.
Cuộc tập trận chung Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ diễn ra ngoài khơi gần đảo Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng hoạt động tôn tạo, mở rộng các hòn đảo ở Biển Đông và đẩy mạnh yêu sách chủ quyền phi lý ở khu vực này, tìm cách mở rộng ảnh hưởng bằng tàu ngầm, tàu mặt nước. Trung Quốc đang hung hăng và ngày càng bành trướng ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, coi Thái Bình Dương là cửa ngõ sống còn vươn ra thế giới và thể hiện sức mạnh hải quân.
Trong khi đó, Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ có kế hoạch điều thêm các chiến hạm tới Thái Bình Dương để hoạt động sát cánh với các chiến hạm của Hạm đội 7 đang đóng ở khu vực trước những âm mưu và chiêu trò của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp.