Afghanistan phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và nhân đạo kể từ khi Taliban giành lại quyền kiểm soát nước này vào tháng 8/2021. Trong khi đó, đài BBC (Anh) cho biết lực lượng quân đội nước ngoài đã hiện diện tại Afghanistan trong 2 thập niên.
Quyền phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Mullah Abdul Ghani Baradar đã tuyên bố quyết định này hôm 19/2. Ông Mullah Baradar nói: “Quyết định được đưa ra là Bộ Công nghiệp và Thương mại nên tăng dần kiểm soát các căn cứ quân sự của lực lượng nước ngoài với chủ trương chuyển chúng thành các khu kinh tế đặc biệt”.
Ông Ghani Baradar cũng bổ sung rằng dự án sẽ bắt đầu được triển khai tại thủ đô Kabul và phía Bắc tỉnh Balkh.
Ông Muhammad Faizal Bin Abdul Rahman tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam ở Singapore nhận định: “Taliban cần tăng ngân sách để quản lý tốt hơn và thu được tính chính đáng trong nước".
Điều quan trọng hơn, Taliban cần chứng minh cam kết của lực lượng này với kế hoạch kinh tế. Nó bao gồm thiết lập khu an toàn gần thủ đô và biên giới dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng như Trung Quốc và phục hồi thương mại trong khu vực với các nước láng giềng”.
Afghanistan được đánh giá có nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có đồng, đất hiếm, khí đốt... trị giá trên 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa được khai thác do nhiều thập niên bất ổn tại Afghanistan.
Vào tháng 8/2021, chuyến bay cuối cùng chở binh sĩ Mỹ rời sân bay Kabul, đánh dấu hồi kết cho 20 năm quân đội Mỹ hiện diện tại Afghanistan. Các đồng minh của Mỹ cũng dần rút quân khỏi Afghanistan và đến giữa tháng 8, Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul.
Kể từ đó đến nay, nền kinh tế Afghanistan chịu tác động bởi nhiều vấn đề. Nhiều thành viên chính phủ nằm trong danh sách trừng phạt của một số quốc gia, tài sản của ngân hàng trung ương ở nước ngoài bị “đóng băng”. Bên cạnh đó, các nguồn tài trợ nước ngoài cũng bị ngưng trệ.
Vào đầu năm nay, Taliban tuyên bố về kế hoạch ký hợp đồng với một công ty Trung Quốc để khai thác dầu khí tại miền Bắc Afghanistan.