Người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid nêu rõ: "Chúng tôi đang hoàn tất mọi thứ.... (Việc nữ sinh quay trở lại trường học) sẽ diễn ra sớm nhất có thể". Theo người phát ngôn trên, những người nhắm giữ các chức vụ còn lại trong chính quyền mới ở Afghanistan có vai trò "quan trọng đối với hoạt động của quốc gia".
Ông Mujahid cũng không đề cập tới Bộ Các vấn đề Phụ nữ bị đóng cửa vào tuần trước và thay thế bằng một Bộ Tuyên truyền Đức hạnh và Phòng chống tệ nạn, vốn nổi tiếng về việc áp đặt học thuyết tôn giáo trong chính quyền Taliban trước đây.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục chỉ thị các nam giáo viên và nam sinh quay trở lại trường cấp 2 vào cuối tuần qua, song không đề cập tới các nữ giáo viên và học sinh nữ của nước này. Trước đó, người phát ngôn Mujahid cũng từng cho biết phụ nữ không được phép làm bộ trưởng hay các vị trí cấp cao theo luật Sharia và kinh Quran. Họ có thể làm việc cho các bộ, cảnh sát và tòa án trong vai trò trợ lý.
Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội ngày 21/9, Ngoại trưởng Malaysia Saffuddin Abdullah cho biết nước này đang theo dõi các diễn biến tại Afghanistan và chưa công nhận chính phủ tại Afghanistan do Taliban lãnh đạo.
Theo ông Saifuddin, cho đến nay chưa có bất kỳ quốc gia nào, kể cả các nước láng giềng Afghanistan, công nhận chính phủ lâm thời do Taliban thành lập và Chính phủ Malaysia cần cân nhắc, xem xét kỹ một số vấn đề trước khi đưa ra quyết định về việc này, trong đó có mức độ chấp nhận của người dân Afghanistan đối với việc Taliban tiếp quản Afghanistan.
Ông cũng cho rằng chính phủ lâm thời do Taliban thành lập chưa có tính toàn diện khi không có sự tham gia của các nhóm dân tộc chính khác cũng như bỏ qua vai trò của phụ nữ và trẻ em gái. Ngoại trưởng Saifuddin khẳng định lập trường của Malaysia rằng chính phủ tại Afghanistan phải được thành lập dựa trên tiến trình hòa giải và hòa bình do chính người Afghanistan lãnh đạo, làm chủ và kiểm soát.