Tại sao Mỹ bỏ lại thiết bị quân sự trị giá hàng triệu USD ở Kabul?

Quân đội Mỹ đã bỏ lại thiết bị quân sự trị giá hàng chục triệu USD, bao gồm nhiều phi cơ, xe bọc thép, hệ thống phòng thủ tối tân, và vội vã rời sân bay Kabul.

Chú thích ảnh
Một chiến binh Taliban ngồi trong buồng lái của máy bay Không quân Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này. Ảnh: AFP

Theo trang mạng Tribune News Service, Tướng Thủy quân lục chiến Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, cho biết một số thiết bị đã được “phi quân sự hoá”, về cơ bản chúng không thể hoạt động được nữa. Theo một nguồn tin giấu tên của Bộ Quốc phòng, nhiều khả năng các binh sĩ Mỹ đã sử dụng lựu đạn nhiệt, loại vũ khí tạo ra nhiệt độ 4.000 độ C, để phá huỷ các bộ phận quan trọng của những khí tài bị bỏ lại.

Một quan chức quốc phòng khác cho hay một số loại thiết bị đã bị nổ tung. Người này nói rằng vào tuần trước, một tiếng nổ lớn đã vang lên tại sân bay Kabul và dường như nó có liên quan đến việc phá huỷ những thiết bị này. 

Về phần mình, Tướng McKenzie cũng đã công khai danh sách những khí tài bị bỏ lại sân bay Kabul trong tuyên bố kết thúc 20 năm hiện diện tại Afghanistan, cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ.

Xe bọc thép MRAP

Chú thích ảnh
Chiếc MRAP bị bỏ lại Kabul. Ảnh: AFP

Ông McKenzie cho biết Lầu Năm Góc đã bỏ lại khoảng 70 xe chiến đấu bọc thép MRAP, mỗi chiếc trị giá tới khoảng 1 triệu USD. Loại thiết giáp này có khả năng phòng thủ trước các cuộc phục kích bằng mìn, được chế tạo để chống các vụ nổ từ các thiết bị nổ tự chế. Những “chiến binh” này đã được Lầu Năm Góc ghi nhận có công cứu mạng hàng nghìn binh sĩ.

Thiết giáp Humvee

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban bảo vệ Sân bay Quốc tế Hamid Karzai. Ảnh: TNS

Quân đội Mỹ cũng đã bỏ lại 27 chiếc Humvee tại Afghanistan. Trước đó, Mỹ đã thay thế loại phương tiện chiến đấu hạng nhẹ này bằng MRAP để chiến đấu tại Iraq và Afghanistan, sau khi thấy chúng có thể dễ dàng bị tấn công bởi thiết bị nổ tự tạo. Humvee có giá trị thấp hơn 1/3 so với MRAP, khoảng 300.000 USD/chiếc.

Phi cơ

Trên đường băng của sân bay quốc tế Hamid Karxai ở Kabul, có tổng cộng 73 chiếc máy bay các loại của quân đội Mỹ “nằm lại”. Tuy nhiên, Tướng McKenzie không nói rõ chúng gồm những loại nào, là máy bay trực thăng, máy bay cánh bằng hay phi cơ cánh gập.

“Những chiếc máy bay đó sẽ không bao giờ bay được nữa. Chúng cũng sẽ không bao giờ có thể được vận hành nữa”, ông McKenzie khẳng định.

Các quan chức Lầu Năm Góc cũng thừa nhận hình ảnh các binh sĩ đã vận hành trực thăng tấn công Apache tại sân bay. Một chiếc Apache có giá hơn 30 triệu USD.

Trước đó, các phi công Afghanistan đã lái một số máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ ra nước ngoài. Phần lớn những chiếc còn lại đã lọt vào tay lực lượng Taliban.

Theo Drive, trong dàn máy bay bị Mỹ bỏ lại sân bay Kabul, còn có những khí tài như máy bay tấn công hạng nhẹ A-29 Super Tucano, máy bay vận tải C-130H Hercules, trực thăng UH-60 Black Hawk,…

Chú thích ảnh
Chiếc máy bay cường kích A-29. Ảnh: AFP

Hệ thống phòng thủ tên lửa, hoả lực và súng cối

Mỹ cũng bỏ lại ít nhất 2 hệ thống phòng không C-RAM có khả năng chặn tên lửa, súng cối và hỏa lực. Mỗi hệ thống phòng thủ tiên tiến này có giá tới 10 triệu USD. Tướng McKenzie không nói rõ có bao nhiêu thiết bị quân sự này bị bỏ lại sân bay. Tuy nhiên, ông cho biết rằng chính các hệ thống này đã giúp Mỹ vô hiệu hoá một quả rocket do nhóm khủng bố ISIS-K nã vào sân bay Kabul trong những phút cuối hiện diện tại Afghanistan hôm 30/8. 

“Chúng tôi đã duy trì vận hành các hệ thống này cho tới phút cuối, trước khi chiếc máy bay quân sự cuối cùng của Mỹ rời đi. Cần nhiều thời gian và kỹ thuật phức tạp để phá hủy những hệ thống đó. Do vậy, chúng tôi đã khiến chúng không còn sử dụng được nữa”, ông McKenzie nói.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Chắc chắn, mục tiêu của chúng tôi không phải là để lại bất cứ thiết bị nào cho Taliban, nhưng đây không phải là một lựa chọn cần thiết khi Mỹ đang tìm cách về nhà và rút khỏi vùng chiến sự”.

Chú thích ảnh
Một chiếc máy bay vận tải quân sự. Ảnh: Tân Hoa xã

Tướng McKenzie nhấn mạnh những thiết bị này sẽ không có tác dụng gì trong chiến đấu. Nhưng nó có thể sẽ được Taliban trưng bày như những chiến lợi phẩm trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ của lực lượng này.

Song, ông Loren Thompson - nhà tư vấn công nghiệp quốc phòng và nhà phân tích quân sự tại Viện Lexington - cho biết các hệ thống quân sự và khí tài này sẽ không có nhiều giá trị. Chẳng hạn, trực thăng là thiết bị đắt giá nhất nhưng việc vận hành và bảo trì chúng, nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, là rất tốn kém. Điều đó còn khó khăn hơn nữa khi không có hỗ trợ hậu cần từ Mỹ, quốc gia đã chế tạo ra những chiếc máy bay đó.

“Việc không có sự hỗ trợ hậu cần của Mỹ sẽ khiến kho vũ khí còn sót lại của Mỹ trong tay Taliban ngày càng xuống cấp và dần bị loại bỏ. Ngay cả những thiết bị nhỏ nhất cũng sẽ dần không sử dụng được nếu không được bảo trì đúng cách. Trong khi đó, MRAP là một trong những thiết bị ngốn nhiều nhiên liệu nhất, vì vậy giá trị của chúng ở một đất nước khan hiếm nguồn cung nhiên liệu nhưng lại thừa các cuộc tấn công khủng bố, sẽ là điều đáng nghi ngờ”, ông Thompson phân tích.

Chú thích ảnh
Các chiến binh Taliban ngồi trước bảng điều khiển tối đen trong trạm điều khiển bỏ hoang tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul. Ảnh: TNS

Lầu Năm Góc đã để lại những thiết bị quân sự trị giá hàng chục tỉ USD sau khi trao lại chúng cho lực lượng an ninh Afghanistan. Theo Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan, Chính phủ Mỹ đã chi 83 tỉ USD để đào tạo và trang bị cho quân đội Afghanistan. 

Theo một nguồn tin, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đã duy trì tổng cộng 300.000 binh sĩ trong biên chế quân đội, nhưng trên thực tế, con số này ít hơn rất nhiều.

Trong những tuần trước khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát, nhiều binh sĩ trong quân đội Afghanistan đã ngừng chiến đấu vì cho rằng chính phủ tham nhũng, hoạt động kém hiệu quả sau khi quân đội Mỹ rút lui.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tâm lý lo sợ bao trùm thủ đô Kabul một ngày sau khi Mỹ rút hết quân
Tâm lý lo sợ bao trùm thủ đô Kabul một ngày sau khi Mỹ rút hết quân

Một sự yên tĩnh kỳ lạ bao trùm khắp thủ đô của Afghanistan một ngày sau khi lực lượng Mỹ rút hoàn toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN