20 năm qua là một trang sử dài với đất nước Afghanistan, với rất nhiều biến cố và thay đổi. Một trong những thay đổi có lẽ là lớn nhất đang diễn ra, với sự trở lại vị trí quyền lực của phong trào Hồi giáo Taliban.
Thay đổi quyền lực
Nếu coi những ngày tháng này tại Afghanistan như một cuốn phim điện ảnh ngắn thì có thể tưởng tượng kịch bản thế này: phong trào Hồi giáo Taliban sau cuộc chiến kéo dài hai thập niên cuối cùng đã giành chiến thắng trước Mỹ và liên quân. Taliban trở lại vị trí cầm quyền tại Afghanistan. Tất nhiên, bộ phim có thể chưa kết thúc ở đây và mọi thứ có thể còn thay đổi. Ví dụ như Iraq, một trường hợp can thiệp sai lầm của nước ngoài nhưng sau đó mọi thứ tốt dần lên và các bên đều có thể chấp nhận.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra ở Afghanistan, dù khả năng rất mong manh. Mức độ thất bại trên thực địa và áp lực chính trị lớn ở trong nước đã khiến các cường quốc phương Tây phải suy tính lại chính sách của mình. Giờ đây, phương Tây sẽ đánh giá thực tế là Afghanistan mang lại cho họ rất ít lợi ích về kinh tế, một cuộc chiến “hao tiền tốn của” đã kéo dài dai dẳng 20 năm, trong khi ưu tiên chiến lược của mỗi nước đang thay đổi theo thời gian.
Pakistan, quốc gia Nam Á lâu nay luôn có ảnh hưởng rất lớn đối với Taliban và nhiều năm là nơi trú ẩn của phong trào Hồi giáo này, được cho là sẽ có tiếng nói “trọng lượng” với ban lãnh đạo mới tại Afghanistan. Pakistan sẽ có ảnh hưởng chính trị và kinh tế lớn nhất ở Afghanistan thời Taliban cầm quyền, trong khi Trung Quốc cũng ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ.
Tình trạng hỗn loạn tại Afghanistan, kể từ sau sự sụp đổ của chính phủ thân phương Tây, khiến Mỹ và các nước phương Tây đang phải "chạy đua với thời gian" để sơ tán nhân viên và công dân của mình. Luồng dư luận về thất bại của Mỹ và đồng minh tại Afghanistan tiếp tục nổi lên, trong đó có ý kiến cho rằng thất bại này đánh dấu sự phá sản của "state building", một khái niệm về xây dựng các chính phủ dân chủ sau chiến tranh.
Đây là khái niệm được đưa ra từ năm 1945 sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và áp dụng với Đức, Nhật Bản và nhiều nước khác. Từ thành công của hai trường hợp Đức-Nhật Bản, các nước phương Tây một lần nữa theo đuổi mô hình “state building" tại Afghanistan sau các vụ khủng bố 11/9, với mục tiêu là kiến tạo nhà nước dân chủ để giảm thiểu nguy cơ chiến tranh, thúc đẩy hòa bình và đối phó với chủ nghĩa khủng bố.
Tuy nhiên, bình luận trên tờ Le Figaro của Pháp, ông Pierre Lellouche, cựu Đại sứ Pháp tại Afghanistan và Pakistan, đánh giá: “Thất bại của Mỹ và phương Tây tại Afghanistan đánh dấu sự phá sản của ‘state building’. Họ nên chấp nhận thực tế này”. Theo ông Lellouche việc thành lập chính phủ dựa trên cơ sở các kế hoạch soạn thảo từ châu Âu hoặc Mỹ rõ ràng là ảo tưởng, vì những kế hoạch đó thường rất xa rời thực tế.
Giờ đây, các đối tác phương Tây như Mỹ, NATO hay Liên minh châu Âu (EU) nên tính tới thực tế này. Ưu tiên hàng đầu của họ nên là hỗ trợ ổn định. Song, nên nhớ đó không phải mô hình ổn định hay trật tự chính trị mà phương Tây đã theo đuổi trong hai thập niên vừa qua. Mục tiêu trước mắt là dành cho Taliban một mức độ ủng hộ nào đó, để đổi lại việc phong trào Hồi giáo này chấm dứt bảo trợ chủ nghĩa khủng bố quốc tế và kiềm chế bạo lực. Làm được điều này thì các cường quốc phương Tây có lẽ sẽ dễ dàng chấp nhận kết cục tại Afghansitan.
Công nhận hay chấp nhận
Với các nước phương Tây, chính sách tương lai đối với Afghanisan cần phải bắt đầu bằng sự thừa nhận công khai rằng Taliban đã thắng trong cuộc chiến. Thất bại trong cuộc chiến, phương Tây cũng cần phải đối xử với Taliban theo hướng công nhận về mặt ngoại giao, và cùng với đó là các cơ hội về tài chính và thương mại.
Phương Tây cũng nên đề nghị chuyển viện trợ nhân đạo vào Afghanistan với các điều khoản phù hợp với cả hai bên. Với các cường quốc phương Tây, bước đi đầu tiên nên triển khai là làm mọi việc có thể để thúc đẩy một chính phủ chuyển đổi do Taliban lãnh đạo, trong đó có sự tham gia của càng nhiều đảng phái Afghanistan càng tốt.
Phương Tây không thể chấp nhận chủ nghĩa khủng bố quốc tế xuất phát từ Afghanistan. Đặc biệt, châu Âu sẽ khó chấp nhận dòng người tị nạn tiếp tục chảy tới châu lục này, vì lo ngại sẽ làm gia tăng thêm phức tạp chính trị ở trong nước. Các nước phương Tây sẽ đúng khi phát đi tín hiệu rằng các đòn trừng phạt tài chính, các hoạt động quân sự bí mật và các biện pháp gây sức ép khác có thể phát huy tác dụng một khi được áp dụng.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng các công cụ đó là gì và công cụ của một cuộc thoái lui có trật tự không có nghĩa là tiếp tục chiến tranh. Phương Tây không nên chọn phương án đối đầu với sự cầm quyền của Taliban một lần nữa. Trò chơi đó đã kết thúc. Phương Tây dù muốn hay không cũng phải chấp nhận thực tế này.