Sáng 29/10, chiếc máy bay Boeing 373 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air chở theo 2 phi công, 6 thành viên phi hành đoàn và 181 hành khách, đã lao xuống vùng biển cách Tanjung Bungin, Tây Java gần 13 km, thay vì đến thành phố Pangkal Pinang trên đảo Sumatra.
Đây là sự cố mới nhất được ghi nhận trong hồ sơ các vụ tai nạn nghiêm trọng của hãng hàng không giá rẻ Lion Air.
Lion Air – hồ sơ non trẻ, kém an toàn
Được thành lập vào năm 1999 và đặt trụ sở ở thủ đô Jakarta, Lion Air là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Indonesia và lớn thứ nhì Đông Nam Á. Máy bay của Lion Air được triển khai tới hơn 100 điểm đến, trong đó có hàng chục điểm đến ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, cũng như 3 thành phố ở Australia, 2 thành phố ở Việt Nam, Tokyo, Dhaka, PhnomPenh, Yangon…
Tốc độ tăng trưởng của Lion Air tăng đột biến trong 10 năm qua, từ 20,5 triệu hành khách trong năm 2010 lên tới hơn 60 triệu hành khách ghi nhận năm ngoái, và dự kiến sẽ tăng nhiều hơn trong tương lai. Hiện hãng hàng không này sở hữu 252 máy bay các loại. Người đứng đầu Lion Air Rusdi Kirana thậm chí còn xây dựng cả một thị trấn – có tên gọi Thành phố Sư tử - để cho lực lượng lao động công ty sinh sống, và có tham vọng xây dựng một sân bay riêng trong trường hợp sân bay quốc tế Soekarno-Hatta quá tải.
Mặc dù tăng trưởng vũ bão, song hãng hàng không này luôn phải đối mặt với nhiều câu hỏi về đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hàng không. Trước đó, EU và Mỹ đã cấm các hãng hàng không Indonesia, trong đó có Lion Air, bay tới châu Âu và Mỹ vào năm 2007 do lo ngại an toàn. Cho tới tháng 6/2016, Lion Air mới được phép tái triển khai các chuyến bay tới châu Âu. Lệnh cấm các hãng hàng không Indonesia khác cũng được bỏ từ đầu năm nay.
Trên trang web AirlineRatings.com phân tích báo cáo và dữ liệu tai nạn của chính phủ các nước, Lion Air chỉ được xếp hạng an toàn 1 sao trên thang điểm 7 năm 2016 – thang điểm thấp nhất về mức độ an toàn hàng không.
Trong hồ sơ bay, hãng hàng không này cũng đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Năm 2004, 25 hành khách thiệt mạng trên chiếc DC-9 của hãng, bị rơi vì mưa lớn tại thành phố Solo ở trung tâm Java. Năm 2002, một chiếc Boeing 737-200 gặp nạn khi cất cánh từ sân bay quốc tế Sultan Syarif Kasim II, may mắn không ai bị thương trong vụ tai nạn. Năm 2017, một máy bay Boeing của hãng va chạm với máy bay của hãng Wings Air khi hạ cánh xuống sân bay Kualanamu trên đảo Sumatra, không một ai bị thương.
Tháng 4/2016, một máy bay của hãng Batik Air – hãng con thuộc Lion Group – va quệt mạnh với máy bay của hãng TransNusa. Ngày 13/4/2013, phi công mới, ít kinh nghiệm đã đáp chiếc máy bay số hiệu 904 chệch đường băng và rơi xuống ngoài khơi Denpasar, Bali. Máy bay bị vỡ làm đôi, nhiều hành khách bị thương nhưng không có ai thiệt mạng. Trong một tai nạn khác, đuôi một chiếc máy bay bị vướng trên đường băng tại sân bay quốc tế Ngurah Rah năm 2014, hai hành khách bị thương nặng.
“Tôi sẽ không bay hãng Lion Air. Tốc độ tăng trưởng lớn nhưng hồ sơ an toàn bay tồi tệ. Có quá nhiều vấn đề xảy ra trong 10 năm và có vẻ như tình hình không khá hơn”, David Gleave – một nhà điều tra an toàn bay – trả lời báo Telegraph.
Không chỉ mức độ an toàn bay thấp, Lion Air còn nổi tiếng với chất lượng bay kém, khi liên tục chậm trễ giờ bay. Trong một báo cáo đáng lưu ý, năm 2012, hai phi công của hãng này còn bị đuổi việc sau khi phát hiện có tàng trữ ma túy đá.
Hàng không Indonesia có vấn đề về an toàn?
Theo dữ liệu của Mạng lưới An toàn Hàng không, từ năm 1945 đã có 98 vụ tai nạn chết người liên quan đến máy bay Indonesia, khiến 2.035 người thiệt mạng. Hơn thế nữa, gần một nửa trong số các vụ xảy ra từ năm 2001. Nhiều chuyên gia nhận định tiêu chuẩn an toàn hàng không đáp ứng được với tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành này tại Indonesia.
Như đã đề cập ở trên, , EU và Mỹ từng cấm các hãng hàng không Indonesia bay tới châu Âu và Mỹ vào năm 2007 do lo ngại an toàn. Trong một báo cáo của Liên hợp quốc công bố tháng 5/2014, mức độ an toàn bay của Indonesia chỉ đạt 61%, thấp hơn nhiều so với kết quả của các quốc gia láng giềng không phát triển bằng như Lào và Myanmar. Một nhà phân tích dữ liệu của đại học MIT (Mỹ) từng công bố kết quả đáng suy ngẫm: tỷ lệ chết vì tai nạn máy bay ở Indonesia là 1 phần 1 triệu hành khách, gấp 25 lần tỷ lệ ở Mỹ.
Cho đến khi chính phủ Indonesia đã có những động thái cải thiện áp dụng luật lệ chặt chẽ hơn, EU mới dỡ bỏ các hãng hàng không Indonesia ra khỏi danh sách đen vào tháng 6/2018. Tuy nhiên, theo chuyên gia hàng không David Gleave, EU dỡ bỏ lệnh cấm máy bay Indonesia chỉ dựa trên đánh giá của các cơ quan lập pháp, chứ không phải bản tự đánh giá của các hãng hàng không.
Tại sao máy bay mới lại gặp nạn?
Máy bay Boeing 737 MAX 8 của Hãng hàng không Lion Air (Indonesia) gặp nạn sáng 29/10 vừa được đưa vào hoạt động 18 tháng trước và được quảng cáo là “chiếc máy bay đáng tin cậy nhất thế giới”. Cho đến khi xảy ra tai nạn 29/10, mẫu máy bay này chưa từng ghi nhận bất kỳ sự cố hàng không nào.
Ngay từ khi ra mắt năm 2017, nhà sản xuất Boeing đã nhận được tới tấp các đơn hàng từ các hãng hàng không Mỹ, Na Uy về mẫu máy bay này. Lion Air đặt 201 chiếc, 13 chiếc đã được chuyển giao. Chiếc máy bay gặp nạn mới được giao cho Lion Air từ 15/8 và chỉ mới trải qua 800 giờ bay. Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, hộp đen và các thiết bị ghi nhận dữ liệu của máy bay rơi xuống biển chưa được trục vớt, nguyên nhân gây tai nạn cũng chưa xác định rõ ràng song một số nhà phân tích cho rằng máy bay quá mới cũng có thể là yếu tố gây tai nạn.
Gerry Soejatman, một nhà phân tích hàng không, nhận định “tỷ lệ tai nạn đối với các máy bay cũ cao hơn, nhưng máy bay quá mới cũng có nguy cơ cao. Nếu máy bay quá mới, đôi khi có trục trặc chỉ được phát hiện sau khi chúng thường xuyên được sử dụng. Những trục trặc này thường được phân loại trong ba tháng đầu tiên. Chúng ta không biết chuyện gì xảy ra với máy bay JT610, nhưng nếu như cả hai động cơ bị tắt, thì máy bay vẫn có thể trượt dài trong một khoảng cách đáng kể. Tuy nhiên có vẻ đây không phải trường hợp như vậy. Máy bay dường như tiếp xuống mặt nước rất mạnh”.