Theo báo Jakarta Post, trong một thông báo đăng trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Australia vào chiều cùng ngày có viết: “Sau vụ tai nạn nghiêm trọng của chiếc máy bay hãng Lion Air ngày 29/10/2018, quan chức chính phủ Australia được chỉ thị không đi máy bay của hãng này. Chúng tôi sẽ xem xét lại quyết định sau khi kết quả điều tra được làm sáng tỏ”.
Trong số hành khách trên chuyến bay JT610 có quan chức thuộc nhiều bộ ngành của Indonesia, trong đó phần lớn là quan chức của Bộ Tài chính.
Trích dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati, có ít nhất 20 quan chức chính phủ Indonesia ở trên chuyến bay định mệnh đó, bao gồm nhân viên Cơ quan Đấu giá và Tài sản Nhà nước (KPKNL) và Văn phòng Tài chính Quốc gia (KPPN). Cũng có 1 quan chức thuộc Bộ Môi trường và 4 quan chức khác thuộc Bộ Khai thác Năng lượng trên máy bay.
Bộ trưởng Sri Mulyani cho biết 20 quan chức đó đang trên đường trở về văn phòng tại Pangkalpinang sau khi dành cuối tuần bên gia đình và tham dự lễ kỷ niệm 72 năm Ngày Tiền tệ ở Jakarta.
Trước đó, các đài kiểm soát không lưu đã mất liên lạc với chuyến bay số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air vào lúc 6h33 sáng (giờ địa phương), chỉ ít phút sau khi máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta lúc 6h20.
Video hành trình bay của chiếc Boeing 737 MAX 8 Lion Air sáng 29/10:
Chiếc máy bay, chở theo 2 phi công, 6 thành viên phi hành đoàn và 181 hành khách, đã lao xuống biển cách bờ Tanjung Bungin, Tây Java gần 13 km, thay vì đến thành phố Pangkal Pinang trên đảo Sumatra. Lực lượng tìm kiếm và cứu nạn đã được nhanh chóng điều động tới hiện trường. Sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng cứu nạn đã vớt được mảnh thi thể. Cuộc tìm kiếm cứu nạn dự kiến kéo dài 7 ngày và gia hạn thêm 3 ngày, nếu cần. Đến cuối ngày 29/10, lực lượng cứu hộ chưa tìm thấy người sống sót, phần thân chính của máy bay và hộp đen.
Theo Lion Air, cơ trưởng chuyến bay Bhavye Suneja là một người Ấn Độ, làm việc cho hãng từ tháng 3-2011 và đã có 6.000 giờ bay, còn cơ phó có 5.000 giờ bay. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân tai nạn.
Vào tối hôm trước ngày xảy ra vụ tai nạn, khi đang trên một hành trình khác, phi công lái chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 này đã báo cáo về một “sự cố kỹ thuật”, song theo hãng hàng không Lion Air, sự cố đã được xử lý và máy bay hoàn toàn an toàn để cất cánh. Mẫu máy bay này mới được đưa vào hoạt động trên toàn cầu khoảng 18 tháng và được ca ngợi là "đáng tin cậy nhất thế giới". Lion Air mua chiếc Boeing 737 MAX 8 hồi tháng 8 và nó mới bay khoảng 800 giờ.