Tại châu Âu, nỗi sợ hãi còn lan nhanh hơn cả virus Corona

Một người đàn ông Anh dương tính với chủng virus Corona mới (nCoV) đã bị gán danh “siêu lan truyền” (super spreader), nhất cử nhất động của ông đều bị truyền thông địa phương theo dõi chặt chẽ. 

Chú thích ảnh
Một hành khách đeo khẩu trang bảo hộ tại sân bay quốc tế Sheremetyevo, ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: Reuters

Hoạt động kinh doanh tại một khu trượt tuyết ở Pháp đã tụt dốc thảm hại sau khi bị xác định là nơi xảy ra một số ca lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, COVID-19 (nCoV). Và sau khi vài nhân viên tại một công ty ô tô Đức nhiễm virus nguy hiểm này, con em của các công nhân khác ngay lập tức bị nhà trường cho nghỉ học bất kể kết quả xét nghiệm âm tính. 

Báo New York Times đưa tin với 42 trường hợp mắc bệnh ở khắp châu lục, dịch bệnh do virus Corona gây ra tại châu Âu thực sự kém nghiêm trọng nhiều lần so với tình hình tại Trung Quốc, nơi trên 2.000 bệnh nhân đã tử vong và cuộc chiến chống virus trở thành một chiến dịch thời chiến. 

Bản thân nỗi sợ hãi đã chứng tỏ được sự lây lan của nó. Và mối lo ngại này kéo theo một làn sóng kỳ thị mới trong xã hội đối với những người, những địa điểm có liên quan đến dịch bệnh. 

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 15/2 đã phải lên tiếng cảnh báo về những mối nguy hiểm khi nỗi sợ hãi lấn át sự thật. “Chúng ta nên được dẫn dắt bằng sự đoàn kết chứ không phải kỳ thị”, ông Tedros phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.

Theo ông, nỗi sợ hãi có thể phá hỏng những nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống virus nCoV. Ông nói thêm: “Kẻ thù lớn nhất chúng ta đối mặt không phải con virus, đó là sự kỳ thị khiến chúng ta quay lưng lại với nhau”. 

Tại Mỹ cùng nhiều nơi khác, người dân châu Á phải đối mặt với sự dò xét căng thẳng về tình trạng sức khỏe. Ở châu Âu, số người bị xác định nhiễm virus cũng nhận thấy bản thân rơi vòng con mắt soi xét của công chúng. Tại Anh nơi có 9 ca mắc bệnh cho đến nay, các tờ tin tức nhanh chóng gọi một doanh nhân là trung tâm của ổ dịch lây nhiễm tại khu trượt tuyết Pháp là một “siêu lây truyền” từ trước khi người này quay trở về Anh và cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus. 

Chú thích ảnh
Ông Steve Walsh. Ảnh: CNN

Doanh nhân Steve Walsh sau đó khẳng định rằng ông không hề biết mình đã nhiễm virus Corona thế nào khi cùng bạn bè nghỉ ngơi ở Pháp sau chuyến công tác đến Singapore. Ông cho biết đã liên lạc với giới chức y tế sớm nhất ngay khi ông phát hiện bản thân bị nhiễm virus và ông đã bị bỏ mặc tại bệnh viện sau khi xét nghiệm cho kết quả dương tính. Khi tên và hình ảnh của ông Walsh được công bố, các đài truyền hình liên tục lập giả thuyết về hành tung của ông. Hãng truyền thông khác thì theo dõi sát lộ trình của ông, trong khi một số cư dân thành phố Brighton and Hove nơi ông sinh sống đã tự hỏi liệu có an toàn để rời khỏi nhà hay không. Chỉ có 5 ca nhiễm bệnh tại khu vực này. 

Ông Peter Kyle, nhà lập phát đại diện cho thành phố Brighton and Hove cho biết nỗi lo sợ về virus Corona là điều dễ hiểu, đặc biệt khi tình hình dịch bệnh tại tâm dịch Trung Quốc vẫn chưa ổn định. Tuy nhiên, ông đánh giá việc sử dụng từ “siêu lan truyền” là sự vô trách nhiệm. 

"Ý nghĩa của thuật ngữ trên hòng ám chỉ ông ấy đã chủ động mắc bệnh, rằng ông ấy sẵn sàng lây truyền nó. Trong khi chúng ta biết rõ thực tế là ngay khi có triệu chứng nhiễm bệnh, anh ta đã hoàn toàn phối hợp với cơ quan chức năng”, ông Peter Kyle giải thích. 

Ông cho rằng một phần nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do người dân cố đánh đồng điều đang xảy ra tại Trung Quốc – nơi trên 70.000 người dương tính với virus và hàng chục triệu người phải sống cách ly nhiều tuần nay – với những gì họ chứng kiến tại đất châu Âu. Theo ông Kyle, giới chức Anh đã không đưa ra chiến lược phản ứng rõ ràng đối với công chúng khiến người dân tự lấp đầy các lỗ hổng thông tin bằng các tin tức sai lệch trên mạng xã hội. 

Mối lo ngại về dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp địa phương, chẳng hạn như quán rượu The Grenadier tại Brighton and Hove, nơi các nhân viên y tế xác định ông Steve Walsh từng đến trước khi phát hiện bản thân nhiễm COVID-19. Cửa hàng này đã nhận được vô số cuộc gọi dò xét thực hư về virus nCoV. 

Một người phát ngôn của Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh đã cảnh báo tình trạng lợi dụng chủng virus mới làm lời ngụy biện cho hành vi kỳ thị các nhóm người và cá nhân. Bộ trên cũng nhấn mạnh rằng các bác sĩ sẽ không cho xuất viện đối với bất kỳ bệnh nhân nào được tin là có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. 

Chú thích ảnh
Căn nhà gỗ nơi các công dân Anh bị nhiễm virus Corona sống trong thời gian nghỉ tại khu trượt tuyết French Alpine. Ảnh: Reuters

Bãi trượt tuyết French Alpine ở làng French cũng phải đương đầu với nỗi sợ hãi về dịch bệnh COVID-19. Ít nhất 6 công dân Anh từng ở trong một ngôi nhà gỗ tại ngôi làng này, trong đó có một bé trai 9 tuổi, dương tính với virus Corona và vẫn đang điều trị tại Pháp. "Tất cả chúng tôi đều hoảng sợ. Xin đừng giả vờ như không sợ", cô Mélanie Boidard, 34 tuổi, sống tại Les Contamines-Montjoie nói. 

Tại ngôi làng này vẫn chưa phát hiện ca nhiễm mới này ngoài ổ dịch lây chéo ban đầu, tuy nhiên nỗi lo lắng vẫn đeo bám. Ngôi làng có 1.200 dân này thường đông đúc gấp 10 lần vào thời điểm này trong năm nhờ hàng đoàn du khách kéo đến khu trượt tuyết. Thế nhưng, hoạt động kinh doanh năm nay đã bị ảnh hưởng bởi những tin đồn về virus Corona. 

Ông Philippe Gerault, 65 tuổi, chủ một câu lạc bộ trượt tuyết tại Les Contamines-Montjoie cho biết hàng chục khách hàng người Anh đã hủy đặt chỗ trong tuần này. “Thật hoảng loạn”, ông Eric Paris, dược sĩ duy nhất tại làng Les Contamines-Montjoie chia sẻ. Ông Paris đã nhận được khoảng 300 – 400 cuộc gọi của người dân để hỏi thăm về tình hình dịch bệnh. “Người ta gọi tôi và hỏi ‘tôi sẽ đến vào tuần tới, tôi có nên hủy chuyến du lịch không?’. Điều đó thật sự nực cười”, dược sĩ này kể lại. 

Trong số 16 ca nhiễm tại Đức, 14 người có liên quan đến hãng chế tạo phụ tùng ô tô Webasto – công ty vừa mở lại các trụ sở ở Stockdoft tuần trước. Một nhân viên người Trung Quốc của hãng tại Thượng Hải đã đến thăm quan các trụ sở ở bang Bavarian hồi giữa tháng 1. Phụ huynh của nhân viên này từng từ thành phố Vũ Hán sang Thượng Hải thăm cô trước ngày con gái đi Đức. Cô đã bắt đầu thể hiện triệu chứng nhiễm bệnh trên chuyến bay trở về Trung Quốc. Cùng đêm đó, một đồng nghiệp người Đức đã đổ bệnh và trở thành công dân đầu tiên ở nước này nhiễm virus. 

Ngày hôm sau, với ba ca nhiễm được ghi nhận, Webasto đóng các trụ sở - nơi gần 1.000 nhà quản lý, thiết kế viên và kỹ sư làm việc – trong hai tuần nhằm tránh virus lan rộng hơn nữa. Tuy nhiên, người ngoài đã tránh đến ngôi làng này, gắn liền nó với virus Corona.

Ông Ludwig Harter, chủ quán cà phê tại Stockdoft, cho biết doanh thu của ông đã giảm 50% kể từ khi tin tức về tình hình bùng phát dịch tại địa phương trở thành điểm nóng trên thời sự quốc gia. Các nhân viên khác ở Webasto lại phản ánh rằng trường học và nhà trẻ từ chối nhận con họ. Những người khác lại phàn nàn về việc bạn đời hay người yêu của họ phải làm xét nghiệm virus Corona nếu muốn đến nơi làm việc. Trong một trường hợp khác, một người đàn ông đem xe đi bảo hành định kỳ đã bị từ chối phục vụ vì ông làm việc tại Webasto. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Lo ngại virus Corona, Hong Kong thay đổi hệ thống đường ống tại các tòa nhà
Lo ngại virus Corona, Hong Kong thay đổi hệ thống đường ống tại các tòa nhà

Cơ quan xây dựng Hong Kong (Trung Quốc) ngày 18/2 xác nhận sẽ chỉ thị sử dụng đường ống hình chữ U cải tiến và tách rời đường ống tầng cao với tầng thấp tại các tòa nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN