Naftogaz ngày 11/5 thông báo về quyết định trên đồng thời cho biết đã thông tin về diễn biến mới với tập đoàn Gazprom của Nga.
Ukraine quyết định "đóng van"
Động thái này diễn ra sau khi các nước thành viên EU vào ngày 11/5 một lần nữa không thống nhất về các điều khoản có thể có trong tương lai về cấm nhập khẩu dầu của Nga. EU từng lên kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay.
Đơn vị điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine (GTSOU) nêu rõ khí đốt từ Nga sẽ không còn được chấp nhận tại điểm trung chuyển Sokhranivka ở biên giới giữa Nga và Donbas từ lúc 7 giờ sáng 11/5 (giờ địa phương).
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn thông báo của Gazprom cho biết tập đoàn này đã dừng việc vận chuyển khí đốt qua điểm trung chuyển Sokhranivka. Sokhranivka vốn là địa điểm “đón nhận” 32,6 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày. Trong ngày 11/5, Gazprom đã chuyển được 72 triệu mét khối khí đốt đến châu Âu, giảm 1/3 so với ngày trước đó.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng gián đoạn trong vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Nga luôn đáp ứng và có ý định đáp ứng mọi nghĩa vụ dựa trên hợp đồng”.
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), bất kỳ tín hiệu nào cho thấy nguồn cung cấp năng lượng bị tổn thương sẽ khiến giá năng lượng cao hơn. Do đó, giá khí đốt giao ngay đã tăng 4% khi mở cửa giao dịch ngày 11/5 lên 103 euro/megawatt giờ. Sau đó giá khí đốt giao ngay có giảm bớt, xuống còn khoảng 95 euro/megawatt giờ, thấp hơn so với ngày 10/5.
Ảnh hưởng đối với châu Âu
Nhà phân tích Tom Marzec-Manser tại công ty ICIS đánh giá động thái của Ukraine không ngăn chặn lượng lớn nguồn cung khí đốt. Tờ Washington Post (Mỹ) dẫn thông báo của Naftogaz cho biết quyết định ngưng chuyển tiếp khí đốt này có thể tác động đến 1/3 lượng khí đốt Nga xuất khẩu vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine, tương đương 3% nhu cầu khí đốt tại Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Tuy nhiên, ông Tom Marzec-Manser nhận định thị trường sẽ “lo lắng” với động thái như vậy.
Nhà phân tích Zongqiang Luo tại công ty Rystad Energy (Na Uy) cho biết trong tháng 5, lượng khí đốt di chuyển qua Sokhranivka trung bình 23 triệu mét khối mỗi ngày. Trong khi đó, điểm trung chuyển Sudzha ở phía Tây Ukraine có thể bổ sung thêm 13 triệu mét khối để giúp bù đắp cú sốc. Nhưng nhà phân tích này cho rằng lượng khí đốt thiếu hụt sẽ gây khó khăn cho kế hoạch tránh nhập khẩu khí đốt Nga của châu Âu bởi cản trở việc đổ đầy các bể chứa trước mùa Đông.
Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí Châu Âu, các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU đã đầy khoảng 37%. Đó là điều bình thường vào thời điểm này trong năm, nhưng rất thấp so với mục tiêu 80% mà liên minh này đã đặt ra cho tháng 11.
Bên cạnh đó, ông Luo phân tích: “Do mạng lưới khí đốt của châu Âu được tích hợp tốt, ít có nguy cơ một quốc gia phải chịu tác động ngay lập tức, nhưng điều này sẽ gây căng thẳng hơn nữa cho mạng lưới”.
Các nhà kinh tế ước tính rằng việc cắt giảm toàn bộ dầu và khí đốt tự nhiên của Nga có thể đẩy châu Âu vào một cuộc suy thoái. Chỉ riêng việc mất khí đốt sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như kim loại, phân bón, thủy tinh và gốm sứ vốn đã hạn chế sản xuất trở lại trong một số trường hợp do giá khí đốt cao. Và người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện và sưởi ấm thậm chí còn cao hơn.
Để tránh những nguy cơ này, EU đã đề xuất cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay thông qua việc bổ sung khí đốt từ Na Uy và Azerbaijan, mua thêm khí đốt hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng tàu biển, đẩy nhanh cung cấp năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời.