Thủ tướng Đức cảnh báo hậu quả xung đột tại Ukraine có thể kéo dài 100 năm

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Ukraine có thể phải đối mặt với hậu quả của cuộc xung đột với Nga trong 100 năm tới, do bom, mìn, vật liệu chưa nổ đã rải rác trên khắp đất nước.

Chú thích ảnh
Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine, ngày 28/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

“Những ai sống ở Đức đều biết những quả bom từ Thế chiến 2 vẫn thường được tìm thấy. Ukraine nên chuẩn bị cho hậu quả của chiến dịch quân sự hiện nay trong 100 năm tới. Đây là lý do chúng ta sẽ phải làm việc cùng nhau để tái thiết Ukraine”, hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Scholz cho biết.

Ngoài việc tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, các nước đồng minh phương Tây đang thảo luận về con đường tái thiết Ukraine sau khi chiến sự kết thúc.

Hôm 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất cung cấp gói hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm khoản đầu tư lớn nhằm đáp ứng các nhu cầu và những cải cách cần thiết của Kiev, dần mở đường cho tương lai của Ukraine trong Liên minh châu Âu (EU). 

Trước đó, giữa tháng 4 vừa qua, EC thông báo EU đang nghiên cứu một công cụ tập trung vào đáp ứng nhu cầu dài hạn của Ukraine, trong đó các quốc gia thành viên trong liên minh sẽ đóng góp tài chính để giúp Ukraine tái thiết đất nước. Nguồn ngân quỹ chủ yếu sẽ được sử dụng để sửa chữa cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các dịch vụ công cộng tại đây. Việc cung cấp các khoản hỗ trợ sẽ được thực hiện với sự tham vấn của Chính phủ Ukraine. Hiện vẫn chưa rõ chính xác số tiền và hình thức hỗ trợ mà châu Âu dành cho Kiev, song các đại sứ EU nhận định số tiền có thể lên tới hàng trăm tỷ euro và sẽ được giải ngân trong hàng thập kỷ.

Trong động thái mới đây nhất, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách an ninh và đối ngoại của EU, đã đề xuất tịch thu tài sản ngoại hối bị đóng băng của Nga và sử dụng chúng để tái thiết Ukraine sau khi xung đột quân sự kết thúc.

Về phần mình, Đức cho biết nước này đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người dân Ukraine tới lánh nạn cũng như gửi vũ khí tới khu vực chiến sự. Berlin đã thay đổi chính sách từ lâu của nước này sau áp lực trong và ngoài nước nhằm giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Đức cho biết đã chấp thuận cung cấp 50 tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard để hỗ trợ Ukraine. Hôm 6/5, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht cho biết Berlin sẽ chuyển giao 7 lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 cho Kiev.

Hải Vân/Báo Tin tức
EU sẵn sàng đền bù tiền mặt nếu Hungary đồng ý trừng phạt dầu mỏ Nga
EU sẵn sàng đền bù tiền mặt nếu Hungary đồng ý trừng phạt dầu mỏ Nga

Brussels có thể trả tiền mặt cho Budapest để nước này từ bỏ năng lượng Nga trong bối cảnh tình cảnh bế tắc của khối về áp đặt các lệnh trừng phạt ngày càng nặng nề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN