Diễn biến này đã làm dấy lên những lo ngại rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine có thể khiến nguồn cung khí đốt sang châu Âu thông qua Ukraine bị cắt đứt tại thời điểm mà giá năng lượng đang tăng mạnh.
Phía Ukraine viện dẫn nguyên nhân cho quyết định nói trên là do những phức tạp vì xung đột ở nước này. Theo GTSOU, tình hình hiện tại khiến việc vận chuyển khí đốt qua trạm đo Sochranovka và trạm nén Novopskov nằm trong các vùng lãnh thổ đang có xung đột là không thể.
Novopskov là trạm nén đầu tiên ở vùng Luhansk. Đây là tuyến đường trung chuyển khoảng 32,6 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày, tương ứng với gần 1/3 tổng khối lượng khí đốt của Nga được vận chuyển qua Ukraine đến châu Âu.
GTSOU đã cam kết sẽ tạm thời chuyển hướng tất cả các nguồn cung sang một điểm trung chuyển khác để "hoàn thành nghĩa vụ trung chuyển của nước này với các đối tác châu Âu”. GTSOU cho biết lượng khí đốt trung chuyển tại Ukraine thông qua các tuyến đường này trong ngày 11/5 có thể giảm 18%, hay 16 triệu mét khối, so với ngày 10/5.
Trong khi đó, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga cho rằng không có lý do thực sự nào để Ukraine tuyên bố “bất khả kháng” trong việc truyền tải khí đốt của Nga qua trạm Sochranovka, và việc chuyển hướng tất cả các dòng khí đốt là điều không thể. Phát biểu với hãng thông tấn TASS, Gazprom cho biết chỉ số 72 triệu mét khối khí đốt được trung chuyển qua Ukraine trong ngày 11/5, thấp hơn nhiều so với mức 95,8 triệu mét khối ngày 10/5.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 11/5, Bộ Kinh tế Đức khẳng định nguồn cung khí đốt của nước này vẫn đảm bảo ngay cả khi không còn nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu qua điểm trung chuyển nói trên tại Ukraine. Bộ này cho biết các cơ quan chức năng nước này theo dõi tình hình chặt chẽ và có phương án xử lý phù hợp. Hiện nguồn cung tại Đức vẫn ổn định.