Theo viện nghiên cứu Daiwa, GDP thực tế của Nhật Bản có thể giảm tới 470 tỷ yên do các biện pháp phòng dịch mới của chính phủ Nhật Bản. Nguyên nhân thiệt hại chủ yếu đến từ lĩnh vực dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng khi mùa Hè là khoảng thời gian người dân có xu hướng đi du lịch và về quê nghỉ lễ. Báo cáo của Daiwa cũng bày tỏ quan ngại về tình hình tuyển dụng khi các biện pháp phòng chống dịch được tăng cường, kéo dài.
Theo viện nghiên cứu Nomura, hiệu quả kinh tế của việc tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo không có khán giả là khoảng 1.640 tỷ yên, giảm 57,4 tỷ yên so với trường hợp có tối đa 10.000 khán giả được phép dự khán.
Những báo cáo trên được đưa ra sau khi tối 8/7, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố áp dụng tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo từ ngày 12/7, kéo dài tình trạng khẩn cấp đối với Okinawa, và tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm tại Saitama, Chiba, Kanagawa và Osaka. Thời gian áp dụng các biện pháp đến ngày 22/8.
Sau đó, Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo cũng ra thông báo sự kiện sẽ được tổ chức mà không có khán giả tại tất cả các địa điểm trong và xung quanh khu vực thủ đô Tokyo. Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp mới trên được áp đặt sau khi số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến ở Tokyo.
Ngày 9/7, Thủ tướng Nhật Bản Suga tái khẳng định cam kết nỗ lực đảm bảo an ninh và an toàn cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo được dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. Trả lời báo giới, ông Suga cho biết sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện cam kết trên, bao gồm việc triển khai các biện pháp kiểm soát ở khu vực biên giới, đồng thời nhấn mạnh đây là trách nhiệm của Chính phủ Nhật Bản.