Chuẩn bị chu đáo có giúp Nhật Bản an toàn trước COVID-19 trong dịp Olympic Tokyo

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa, Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ diễn ra và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng lớn.

Chú thích ảnh
Một vận động viên chạy bộ chạy qua biểu tượng Olympic tại Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Nhật Bản vừa mới thoát khỏi làn sóng COVID-19 thứ 4, với khoảng 1.400 ca mắc mới mỗi ngày, nhưng số ca mắc hiện lại đang tăng lên. Các chuyên gia cảnh báo tình hình này có thể khiến Nhật Bản chìm trong làn sóng dịch bệnh thứ 5. 

Mặc dù vậy, các sự kiện thể thao Olympic và Paralympic vẫn sẽ diễn ra. Theo hãng tin Kyodo, tại làng Thế vận hội ở Tokyo, nơi ở của khoảng 18.000 vận động và quan chức, Ban Tổ chức đã bố trí phòng khám, phòng cách ly, phòng xét nghiệm. Tại đây, mọi người phải đeo khẩu trang mọi lúc, bàn ăn được lắp đặt các tấm kính ngăn cách.

Tuy nhiên, ban tổ chức đã ra quy định giới hạn số lượng khán giả không được phép vượt quá 50% sức chứa của các địa điểm. Điều này có nghĩa là 10.000 khán giả luôn phải đeo khẩu trang, không được hò hét hoặc cổ vũ trong các trận thi đấu. Song, những khán giả này không phải nỗi lo duy nhất của ban tổ chức.  

Khoảng 90.000 vận động viên quốc tế, các đoàn hỗ trợ và phóng viên dự kiến sẽ đến Nhật Bản trước các trận thi đấu. Các chuyên gia gần như chắc chắn rằng một số người sẽ mang theo virus SARS-CoV-2 vào nước này.

Ngay cả việc tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành cũng sẽ không thể ngăn chặn được rủi ró đó. Gần đây, một thành viên của đoàn thể thao Uganda tham dự Olympic Tokyo 2020 đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi tới Nhật Bản. Đáng chú ý là vận động viên này đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca và trình xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2  trước 72 giờ khởi hành. Người này đã mắc phải biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và ngay lập tức bị từ chối nhập cảnh vào nước này.

Chú thích ảnh
Biểu tượng Olympic trước Sân vận động Quốc gia ở thủ đô Tokyo.

Vấn đề hiện tại là làm thế nào để đảm bảo những người mang virus vào Tokyo không lây lan cho các vận động viên khác hay người dân Nhật Bản, khi nhiều người nước này vẫn chưa được tiêm phòng.

Mặc dù đã nỗ lực đẩy mạnh triển khai tiêm chủng trong 2 tháng qua, hiện chỉ có khoảng 23% dân số Nhật Bản đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19.  Mức độ tiêm chủng thấp này không đủ để bảo vệ dân số khỏi biến thể Delta đang lây lan mạnh mẽ. Tỉ lệ này cũng thấp hơn tỉ lệ tiêm chủng ở Châu Á và Australia.

Cũng có nhiều lo ngại cho rằng khi vận động viên quốc tế đến Nhật Bản, họ sẽ mang mầm bệnh trở về đất nước của họ.

Ban tổ chức Thế vận hội Tokyo rất quan tâm đến việc triển khai vaccine cho những vận động viên tham gia thi đấu. Tuy nhiên, họ không cung cấp chi tiết về việc làm thế nào để đảm bảo được tiêm đủ 2 liều vaccine, khi cần phải có khoảng cách bắt buộc giữa liều thứ nhất và liều thứ 2.  

Đến thời điểm hiện tại, cũng không có thông tin chi tiết về việc kế hoạch tiêm chủng có bao gồm nhân viên khách sạn, lái xe, nhân viên truyền thông và 110.000 tình nguyện viên hay không, khi những người này có thể tiếp xúc với những người tham dự Thế vận hội sắp tới.

Quay trở lại vấn đề cốt lõi, đó là làm thế nào để ngăn chặn sự lây lan virus SARS-CoV-2 giữa các vận động viên tham dự Thế vận hội.

Một trong những bài học mà Australia đã nhận ra là virus có thể lây lan qua hạt aerosol trong không khí tại khách sạn cách ly. Theo đó, virus SARS-CoV-2 có thể lây lan sang người tại các hành lang dù mọi người chưa từng tiếp xúc trực tiếp hoặc gần gũi nhau.

Những hạt sol khí rất mịn này có thể đủ để lây truyền cho những người ở cách xa hơn 2 mét. Trong một số trường hợp, nó có thể khiến một người chỉ mới đi qua không gian đó nhiễm virus ngay sau khi người truyền nhiễm rời đi.

Cũng như các khách sạn cách ly ở Australia không được thiết kế để ngăn ngừa sự lây lan qua hạt aerosol trong không khí, các cơ sở tập luyện và lưu trú tại Thế vận hội Tokyo, đều được thiết kế và xây dựng trước dịch COVID-19, do đó cũng không được thiết kế để ngăn chặn lây sự truyền qua sol khí.

Trong khi đó, các quy định phòng dịch COVID-19 dành cho vận động viên, quan chức tham dự Thế vận hội liên tục được sửa đổi.

Các nhà nghiên cứu và giới khoa học đã chỉ trích gay gắt bộ hướng dẫn phòng dịch của IOC không được xây dựng dựa trên đánh giá rủi ro nghiêm ngặt về mặt khoa học. Họ nói rằng bộ hướng dẫn này đã thất bại trong việc xem xét cách thức lây nhiễm virus SARS-CoV-2, các yếu tố góp phần vào việc phơi nhiễm, những đối tượng nào có thể có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, bao gồm cả một số vận động viên thi đấu tại Paralympics. 

Song bất chấp mọi chỉ trích, Thế vận hội Tokyo vẫn sẽ diễn ra. Olympic sẽ không thể được tổ chức trong đại dịch nếu không có những quy định nghiêm ngặt này. Song, những thiệt hại ngoài dự kiến có thể sẽ rất lớn.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tổng thống Hàn Quốc có thể sẽ thăm Nhật Bản và dự lễ khai mạc Olympic Tokyo
Tổng thống Hàn Quốc có thể sẽ thăm Nhật Bản và dự lễ khai mạc Olympic Tokyo

Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn tin trên nhật báo Sankei cho biết Chính phủ Hàn Quốc ngày 5/7 đã thông báo cho phía Nhật Bản về việc Tổng thống Moon Jae-in dự định sẽ thăm Nhật Bản và tham dự khai mạc Thế vận hội mùa Hè Olympic Tokyo, diễn ra trong hai tuần tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN