Nhật Bản sẽ áp đặt tình trạng khẩn cấp ở Tokyo trong dịp Olympic

Ngày 7/7, nhà chức trách Nhật Bản thông báo sẽ áp đặt tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo tới cuối tháng 8 để phòng nguy cơ lây lan của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Olympic 2020 sẽ diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản trong tháng này. Ảnh: InsideSport

Hãng thông tấn Kyodo đưa tin, ngày 7/7, các quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết nhà chức trách nước này sẽ lần thứ tư ban bố tình trạng khẩn cấp phòng dịch COVID-19 đối với vùng thủ đô Tokyo, dự kiến kéo dài tới ngày 22/8.

Nếu quyết định này được thực thi, đồng nghĩa với việc thủ đô của Nhật Bản sẽ ở trong tình trạng khẩn cấp phòng dịch trong dịp diễn ra Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020 (Olympic Tokyo 2020).

Trong khi đó, trang mạng Nikkei Asia cho biết quyết định trên đã được Nội các Nhật Bản thông qua. Theo đó, vùng thủ đô Tokyo sẽ lần thứ 4 kể từ tháng 4/2020 bị áp đặt tình trạng khẩn cấp để ngăn ngừa làn sóng lây lan của dịch COVID-19.

Về lý thuyết, các sự kiện thể thao, tập trung đông người bị cấm, các cuộc thi đấu thể thao trong khuôn khổ Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra mà không có khán giả. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nhà chức trách Nhật Bản có áp đặt qui định nghiêm ngặt này không đối với Olympic.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã bóng gió nói rằng nếu Tokyo gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp, Olympic sẽ diễn ra mà không có khán giả. Trả lời phóng viên khi được hỏi liệu người hâm mộ có được phép tới địa điểm thi đấu hay không, Thủ tướng Suga nêu rõ: "Trước đây tôi đã nói có khả năng sẽ không có khán giả. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi sẽ hành động ưu tiên hàng đầu an toàn và an ninh của người dân". Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết mọi quyết định sẽ được đưa ra dựa trên sự đồng thuận giữa các bên tham gia tổ chức, trong đó có chính quyền thủ đô Tokyo và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).

Ngày 20/6 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp thứ ba kể từ đầu dịch bệnh đối với Tokyo. Trong ngày 7/7, chính quyền thủ đô đã đề nghị chính phủ trung ương tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, như việc cấm bán đồ uống có cồn tại các nhà hàng, quán bar.

Chú thích ảnh
Biểu tượng Olympic Tokyo được treo tại một khu mua sắm ở thủ đô Tokyo. Ảnh: Đào Thanh Tùng-PV TTXVN tại Nhật Bản

Trong hơn một tuần qua, tình hình dịch bệnh ở Tokyo đang có chiều hướng xấu đi. Ngày 4/7, thành phố này ghi nhận thêm 518 ca mắc mới, tăng 132 ca so với một tuần trước đó, trong khi số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tăng lên 51 người. Số ca mắc mới bình quân ở Tokyo trong tuần từ 28/6 đến 4/7 là 582 ca/ngày, tăng 21,9% so với một tuần trước đó.

Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã quyết định thay đổi chương trình lễ khai mạc và bế mạc của hai sự kiện này, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch COVID-19.

Cụ thể, lễ khai mạc Olympic Tokyo sẽ diễn ra từ 20h-23h30 ngày 23/7 (giờ địa phương, tức 18h-21h30 cùng ngày giờ Việt Nam). Buổi lễ kéo dài hơn 30 phút so với kế hoạch ban đầu, nhằm tạo điều kiện cho các vận động viên thực hiện giãn cách khi diễu hành trên sân vận động. Trong khi đó, lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 vào ngày 8/8 sẽ diễn ra từ 20h-22h30, rút ngắn 30 phút so với kế hoạch ban đầu, do chương trình sẽ được đơn giản hóa và số lượng vận động viên tham gia sẽ ít hơn.

Đối với Paralympic, chương trình của lễ khai mạc không thay đổi và sẽ diễn ra từ 20h-23h ngày 24/8. Tuy nhiên, lễ bế mạc sẽ bị rút ngắn 30 phút và kết thúc vào lúc 20h30 ngày 5/9.

Chính quyền thủ đô Tokyo (Nhật Bản) cũng đang cân nhắc phương án không rước đuốc Olympic Tokyo qua các tuyến đường công cộng ở thủ đô trong cả nửa cuối của chặng đường 15 ngày đi qua khu vực trung tâm thủ đô, do các ca mắc mới COVID-19 gia tăng.

Chú thích ảnh
Một người Nhật Bản đạp xe qua biểu tượng Olympic ở Odaiba. Ảnh: Đào Thanh Tùng-PV TTXVN tại Nhật Bản

Kết quả thăm dò dư luận của hãng tin Kyodo công bố cuối tuần trước cho thấy đa số người dân Nhật Bản lo ngại dịch COVID-19 có thể tái bùng phát nếu các sự kiện Olympic và Paralympic Tokyo được tổ chức theo đúng kế hoạch.

Trong cuộc thăm dò thực hiện trong hai ngày 19 và 20/6 vừa qua, có 40,3% số người được hỏi cho rằng nên tổ chức các sự kiện mà không có khán giả, trong khi 30,8% cho rằng nên hủy bỏ các sự kiện thể thao này.

Khi được hỏi về khả năng duy trì Olympic và Paralympic nếu tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 tái ban bố ở Tokyo và các địa phương khác sau khi các sự kiện này đã khai mạc, 55,7% cho rằng nên tiếp tục giải đấu nhưng cần thực hiện các biện pháp như cấm khán giả vào sân, trong khi 35,4% nói rằng cần hủy bỏ giải đấu tại thời điểm đó.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn cho các tình nguyện viên phục vụ Olympic Tokyo tại Iwaki, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 11/6/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trước nguy cơ làn sóng dịch mới, ngày 6/7, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định siết chặt kiểm soát nhập cảnh đối với hàng loạt các quốc gia và khu vực để ngăn ngừa sự xâm nhập của các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vào nước này.

Cụ thể, từ nửa đêm ngày 9/7, tất cả những người nhập cảnh hoặc trở về từ Zambia, Indonesia và Kyrgyzstan sẽ phải cách ly 10 ngày tại các cơ sở chính phủ chỉ định. Họ cũng sẽ phải làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào các ngày thứ 3, 6 và 10 sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản.

Trong khi đó, những người nhập cảnh hoặc hồi hương từ Argentina, Uruguay, Ecuador, Cuba, Colombia, Sulinum, Seychelles, Chile, Trinidad và Tobago, Thổ Nhĩ Kỳ, Paraguay, Fiji, Venezuela, Belarus, Bolivia, Libya cùng với ba bang của Mỹ và 4 khu vực ở Nga sẽ phải cách ly tại các cơ sở chỉ định trong 3 ngày. Họ cũng sẽ phải làm xét nghiệm vào ngày thứ 3 sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Chủ tịch IOC ủng hộ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo
Chủ tịch IOC ủng hộ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach ngày 22/4 bày tỏ ủng hộ kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp mới tại thủ đô Tokyo, đồng thời khẳng định quyết định này không ảnh hưởng đến Thế vận hội Olympic sắp đến gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN